Ngành chế biến nông sản chuyển mình phù hợp xu thế mới 

Công nghiệp chế biến là khâu quan trọng, động lực cho cả chuỗi giá trị nông sản vận hành: sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ.

Công nghiệp chế biến là khâu quan trọng, động lực cho cả chuỗi giá trị nông sản vận hành: sản xuất - chế biến - bảo quản - tiêu thụ. Nhờ được quan tâm đầu tư, ngành chế biến nông sản nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận thông qua thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng theo từng năm. Tuy nhiên, để ngành hàng này tiếp tục phát triển và gặt hái thành tựu, các bên có liên quan cần hợp lực đề ra giải pháp, hướng phát triển để tránh nguy cơ tụt hậu và phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Điểm nghẽn cần khơi thông

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP BJ&T, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP BJ&T, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2019, ngành công nghiệp chế biến nông sản nước ta hình thành và phát triển với hơn 7.500 doanh nghiệp, công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến hiện đại mang tầm khu vực và thế giới như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra... Nông sản Việt hiện có mặt trên 186 nước và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 48,6 tỉ USD vào năm 2021. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD là gạo, cà phê, điều, gỗ, tôm, cá tra và rau quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn hạn chế về trình độ công nghệ, năng lực chế biến: tỷ lệ cơ giới hoá, tự động hóa còn thấp, năng suất thấp, giá thành sản xuất cao. Theo TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, khả năng chế biến đối với một số ngành hàng nông sản nước ta còn yếu, cơ sở và công suất chế biến hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là cao điểm của mùa vụ. Trong đó, các mặt hàng rau quả, thịt, khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 8-10% sản lượng hằng năm. Với mặt hàng mía đường, lúa gạo, cà phê, rau quả, thủy sản… lại không đủ công suất chế biến khi vào chính vụ nên tổn thất sau thu hoạch còn lớn. Nông sản Việt Nam những năm qua chủ yếu được xuất khẩu ở dạng thô, tươi, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh: Hiện nay, trên 95% cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ. Các cơ sở này đang gặp phải những hạn chế đặc trưng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nguồn lực bị hạn chế; năng lực quản lý, điều hành còn thấp; còn bị động, phụ thuộc nhiều vào thị trường; khó liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, trong 15 năm nữa, nếu ngành chế biến nông sản không được đầu tư cải tiến công nghệ, thúc đẩy phát triển khâu nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản thì ngành nông nghiệp rất khó để tăng trưởng toàn diện, mạnh mẽ.

Hợp lực từ nhiều phía

Xuất phát từ thực tế đó, TS Đồng Văn Ngọc đề xuất ngành Nông nghiệp xây dựng hệ sinh thái công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch với sự tham gia của cơ quan điều phối, doanh nghiệp, hệ thống đào tạo nhân lực... Hệ sinh thái này ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 kết nối các thành phần trong chuỗi với nhau một cách thông minh nhất. Bên cạnh đó, nhà trường và doanh nghiệp cần sớm liên kết, tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, từ khâu xây dựng chương trình đào tạo; định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo và tuyển dụng nhân sự tạo nên mối liên kết chặt chẽ nhà trường - doanh nghiệp - người học hiệu quả nhất.

Hiện nay trên 95% cơ sở chế biến nông sản nước ta có quy vừa và nhỏ, vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Nhà nước cần định hướng, hỗ trợ họ tham gia vào từng khâu, từng vị trí trong chuỗi giá trị ngành hàng hoặc có thể làm vệ tinh hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Để nông nghiệp thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa, công nghiệp chế biến và bảo quản là chìa khóa. Doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã rất cần sự hỗ trợ của chuyên gia, cơ quan đầu ngành trong việc tiếp cận nguồn lực hỗ trợ thiết thực, chính thống: giới thiệu sáng chế đến cộng đồng doanh nghiệp, startup; chính sách hỗ trợ đúng đối tượng; kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nông sản…

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, những thể chế, cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành chế biến nông sản đã cơ bản được xây dựng đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đi vào thực tế cần sự phối hợp của các bên liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận các nguồn lực quan trọng như vốn ưu đãi, mở rộng thị trường, cải tiến công nghệ… Bên cạnh đó, doanh nghiệp, nông dân cũng cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm; mở hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn trong chế biến.  Đây là những lĩnh vực tiềm năng và có nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nganh-che-bien-nong-san-chuyen-minh-phu-hop-xu-the-moi-a144632.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :