Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất và xuất khẩu các loại rau quả nhiệt đới. Ðến nay, rau quả đã được xuất khẩu đi hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, do năng lực bảo quản và chế biến các loại rau quả còn hạn chế, áp lực phải tiêu thụ sản phẩm khi vào mùa vụ thu hoạch là rất lớn dễ xảy ra tình trạng rớt giá do cung vượt cầu. Ðể các loại rau quả có thể bảo quản lâu và vận chuyển đem tiêu thụ ở xa với giá cao, đòi hỏi doanh nghiệp cần nâng cao khả năng bảo quản, chế biến sản phẩm.
Rau quả tiêu thụ tươi thô
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong khoảng 3-4 năm trở lại đây, phát triển công nghiệp chế biến rau quả và nông sản ở nước ta đã được đẩy mạnh cả về mặt chính sách và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Từ 2018-2021, đã có 70 tổ hợp chế biến lớn với tổng đầu tư hơn 65.000 tỉ đồng. Ðây là tín hiệu rất đáng mừng, sự tham gia của doanh nghiệp cũng cho thấy hiệu quả và sức hấp dẫn của lĩnh vực đầu tư này. Ðồng thời, cũng xuất phát từ sự đa dạng của sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, tính chất mùa vụ và nhu cầu cần phát triển các sản phẩm chế biến để bảo quản được lâu và gia tăng được giá trị, thuận lợi xuất khẩu ở các thị trường xa, đặc biệt đi bằng đường biển với số lượng lớn, chi phí giảm. Trong giai đoạn 2015-2019, ước tính việc phát triển chế biến rau quả giúp mang lại giá trị gia tăng trung bình 8-10%.
Sơ chế, đóng gói dừa tươi để xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.
Nhìn chung việc phát triển chế biến rau quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hằng năm, nước ta sản xuất rau quả với sản lượng khoảng 28 triệu tấn. Nhưng tỷ lệ rau quả qua chế biến thấp, khoảng 30%, còn lại tiêu thụ dạng tươi thô. Nhiều loại rau quả dễ hư hỏng và khó bảo quản, vận chuyển xa đến nơi tiêu thụ và đến các nhà máy chế biến nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch rất lớn, trên 20%. Ðáng chú ý, nguồn rau quả sản xuất tại nhiều địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng nhất, giá thành cao và chưa đảm bảo tốt vấn đề an toàn thực phẩm, cũng như tính thời vụ cao, cần thu hoạch tập trung trong thời gian ngắn. Số doanh nghiệp tham gia đầu tư cho chế biến rau quả còn ít, chủng loại chưa đa dạng và còn hạn chế về sản phẩm chế biến sâu. Nhiều nhà máy chế biến rau củ quả chưa phát huy hết 100% công suất hoạt động do chưa đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước có hơn 237 doanh nghiệp chế biến rau quả. Trong đó, có 46 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phía Bắc, 90 doanh nghiệp tại vùng miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phía Nam có hơn 100 doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã hình thành các nhà máy và hệ thống chế biến rau quả quy mô công nghiệp. Một số doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến, thực hiện chế biến sâu đối với rau quả, giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến rau quả ở nước ta được đánh giá mới ở mức “trung bình tiên tiến”.
Liên kết sản xuất, chế biến
Ðể kịp thời nâng cao năng lực bảo quản và chế biến rau quả, chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần phối hợp giữa các bên, giữa nông dân và doanh nghiệp để có các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và nguồn hàng liên tục phục vụ chế biến. Ngành chức năng cần thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn, bền vững và gắn kết chặt chẽ giữa các bên trong từng chuỗi giá trị ngành hàng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng: “Nhu cầu về các loại thực phẩm chế biến tại các nước như Mỹ, EU ngày càng có xu hướng cao, kể cả thị trường Trung Quốc cũng vậy. Tiêu dùng sạch, an toàn và tiện lợi cũng đang phát triển tại thị trường trong nước. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tổ chức tốt hơn khâu liên kết sản xuất để đảm bảo nguồn nguyên liệu với số lượng và chất lượng đảm bảo phục vụ chế biến và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Ðồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, bảo quản rau quả và phát triển khả năng chế biến đa dạng được các loại rau quả, hóa giải tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu theo thời vụ”. Theo ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), nhiều doanh nghiệp còn gặp khó trong thu mua các loại rau quả của nông dân để phát triển chế biến và xuất khẩu do lo ngại sản phẩm chưa đảm bảo chất lượng và an toàn, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và yêu cầu phải sản xuất đạt các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu được sang các thị trường khó tính. Ngành chức năng cần tập trung giải quyết “phần gốc này” của vấn đề. Ðẩy mạnh đào tạo, hướng dẫn người dân sản xuất ra sản phẩm sạch và liên kết cùng doanh nghiệp để có đầu ra ổn định. Thời gian qua, Antesco liên kết với nhiều nông dân tại vùng ÐBSCL hình thành các vùng nguyên liệu trồng đậu nành rau, bắp non, xoài, thanh long đảm bảo chất lượng và công ty đã chế biến, xuất khẩu được sản phẩm sang Mỹ và các nước EU.
Sơ chế, đóng gói dừa tươi để xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương cần có thêm các cơ chế và chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản rau quả. Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại các vùng nguyên liệu. Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến gắn với các vùng nguyên liệu, cụm logistics và cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ để tạo thuận lợi tối đa cho vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nafoods, Bộ NN&PTNT cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng quản lý, quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu.