Mở lối cho kinh tế sông ÐBSCL 

Mạng lưới sông ngòi chằng chịt, với 28.600km sông, kênh, rạch, ÐBSCL có ưu thế lớn phát triển kinh tế sông. Tuy nhiên, nhiều năm qua, kinh tế sông của vùng này chưa được khai thác hiệu quả.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Hoạt động mua bán tại chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ.

Thách thức

TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, cho biết: Lịch sử phát triển vùng ÐBSCL gắn liền với sông nước, từ con người, vấn đề đi lại, kinh doanh, buôn bán, kiếm sống cho đến văn hóa, văn nghệ, đánh giặc giữ nước. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm phát triển, kinh tế sông tại ÐBSCL có nhiều thay đổi. Ðơn cử, vận tải hành khách trên sông thay thế hoàn toàn bằng vận tải trên bộ; nghề thương hồ thưa vắng dần; chợ nổi từ chỗ là nơi buôn bán giờ phát triển thêm dịch vụ du lịch; một số nghề mới hình thành và phát triển mạnh như dịch vụ du lịch trên sông, nghề nuôi cá bè… 

Cùng với sự thay đổi đó, kinh tế sông của ÐBSCL cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Võ Minh Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, tiềm năng kinh tế sông ở ÐBSCL nhiều năm qua vẫn chưa được khai thác toàn diện và đối mặt với nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài. Ðiều này thể hiện ở 4 phương diện: hệ thống giao thông đường thủy chưa phát triển mạnh mẽ; chưa khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đường sông; hiện tượng sụt lún và sạt lở bờ sông nghiêm trọng, đe dọa sinh kế, sản xuất của người dân; khai thác nước ngầm và nước bề mặt quá mức phục vụ cho sinh hoạt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản dẫn đến nguồn nước khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển kinh tế sông ở ÐBSCL hiện nay là không bền vững, xét trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Mặc dù các hoạt động kinh tế sông tạo ra nguồn thu hàng tỉ USD mỗi năm, tuy nhiên cơ cấu kinh tế sông chủ yếu là tỷ trọng nông nghiệp, phần lớn là sản phẩm thô, giá trị thấp. Hoạt động kinh tế sông nhiều năm diễn ra theo hướng chỉ khai thác, sản xuất theo tư duy tận thu, ăn xổi mà thiếu đi sự quan tâm cho tái đầu tư, nâng cao chuỗi giá trị. Về mặt xã hội, một số hoạt động kinh tế sông hiện đang gây ra rất nhiều mâu thuẫn giữa các nhóm đối tượng trong xã hội. Ðơn cử, hoạt động khai thác cát thời gian dài đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp nhưng lại để lại nhiều hệ lụy cho chính quyền địa phương và người dân như sạt lở, thiếu vật liệu cho các công trình trọng điểm của vùng. Về góc độ môi trường, hóa chất, thuốc trừ sâu từ ruộng đồng, nước thải, thức ăn dư từ các ao nuôi thủy sản, rác thải từ du lịch trực tiếp xuống sông... khiến cho vấn đề ô nhiễm nguồn nước trở nên báo động ở vùng ÐBSCL.

Hướng đến phát triển bền vững

Theo các chuyên gia, vấn đề phát triển kinh tế sông, cứu lấy những dòng sông của ÐBSCL không chỉ là chuyện "dưới sông" mà còn là chuyện "trên bờ". Cái thiếu của đồng bằng, "liều thuốc" cho kinh tế sông của ÐBSCL cũng giống như các vùng đất khác, là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, yêu cầu cơ bản đối với thể chế là giải phóng nguồn lực, tập hợp nguồn lực, gia tăng nguồn lực và khai thác hiệu quả các nguồn lực; đồng thời hạ tầng phải thông suốt, thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và có sự liên kết, hỗ trợ giữa các loại hình vận tải...

PGS.TS Phạm Tiến Ðạt, Hiệu trưởng Trường Ðại học Tài chính - Marketing cho rằng, các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế sông ÐBSCL cần nghiên cứu kỹ những bài học kinh nghiệm và chính sách phát triển kinh tế sông ở các nước trên thế giới vận dụng phù hợp cho bối cảnh thổ nhưỡng, văn hóa, địa chính trị vùng ÐBSCL. Ngoài ra, chú ý đến quy hoạch mạng lưới tuyến đường sông khu vực ÐBSCL còn mang tính chất liên tỉnh và quốc tế; tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho đường sông, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển giao thông vận tải đường bộ và đường sông; tăng cường những dự án nạo vét lớn, khai thông dòng chảy lưu thông và đảm bảo an toàn tàu thuyền di chuyển. Nhà nước cũng cần xây dựng, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, đồng bộ, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian, tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương để tăng tính chủ động trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế sông.

Ông Võ Minh Cảnh nhấn mạnh: Kinh tế sông giữ vai trò quan trọng, không thể tách rời đối với kinh tế vùng ÐBSCL trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Vì vậy, ÐBSCL cần học cách khai thác những giá trị từ sông nước mang lại một cách tối ưu theo nguyên tắc phát triển bền vững. Theo đó, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương trong vùng về quản lý tài nguyên nước. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động quy hoạch, bố trí các phương án, không gian, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kinh tế sông phù hợp với các tiểu vùng sinh thái (ngọt, mặn - lợ, chuyển tiếp ngọt - lợ) theo định hướng của quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

TS Phan Công Khanh, đề xuất mô hình "3 chữ S" cho kinh tế ÐBSCL nói chung và kinh tế sông nói riêng gồm: sông, số và sạch. Trong đó, sông là khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguồn lực liên quan đến sông, trong đó nước là cốt lõi; số là số hóa cũng là xu hướng chung của kinh tế thế giới; sạch tức xanh, là ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển nông nghiệp xanh, sạch nhằm bảo vệ môi trường…

Nguồn: https://baocantho.com.vn/mo-loi-cho-kinh-te-song-bscl-a149896.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :