Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.
Hiện anh Biên sở hữu trên 40 con gà sư tử Ba Lan gồm 4 màu với giá hàng triệu đồng/con.
Anh Biên được biết đến là người đam mê các giống gà, chim kiểng và đang sở hữu hơn 10 loại như gà Ba Lan, gà Serama, gà vảy cá, gà chú hề, chim công, chim trĩ… Từ niềm đam mê này đem lại cho anh nguồn thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi tháng (sau khi đã trừ chi phí nuôi). Vừa qua, anh còn mua giống vịt gọi về nuôi và nhân giống thành công với số lượng hơn 40 con. Nổi bật nhất tại trại là giống gà Ba Lan, sở hữu màu sắc đa dạng cộng với chiếc mào “khổng lồ”, được phủ bằng lông trông giống như bờm sư tử. Nhờ dáng hình “độc, đẹp, lạ”, giống gà này đang được giới chơi gà cảnh tại Việt Nam và nhiều nước ưa thích.
Vốn yêu thích sưu tầm gà kiểng mới lạ. Năm 2019, anh tìm mua 3 con gà sư tử Ba Lan đen đầu bạc và sư tử Ba Lan vàng (gồm 2 gà mái, 1 gà trống) để về nuôi nhân giống. Nhờ kỹ thuật và kinh nghiệm sẵn có, anh dễ dàng “thuần hóa” để gà phát triển và nhân giống thành công tại vùng khí hậu miền Tây. “Năm đó, tôi mua 2 bộ gà, mỗi bộ 3 con gồm 2 trống, 1 mái. Gà có nguồn gốc từ Hà Lan, là một trong những loại gà được xếp vào nhóm gà kiểng đẹp nhất thế giới. Sau khi nhân giống thành công, số lượng gà bố mẹ tương đối nhiều tôi mới bán gà con và gà hậu bị”, anh Biên chia sẻ. Theo anh Biên, gà sư tử Ba Lan khá dễ nuôi, ăn thức ăn công nghiệp, bổ sung thêm rau. Gà còn nhỏ phải tiêm vaccine ngừa bệnh, chú ý vệ sinh chuồng trại, thay nước thường xuyên. Kích thước của gà sư tử Ba Lan dao động từ 1-1,5kg/con (tùy gà trống hay gà mái). Gà nuôi khoảng 8 tháng cho sinh sản. Mỗi năm gà mái đẻ khoảng 100 trứng, trong đó tỷ lệ nở con khoảng 80%. “Trứng gà có mỗi ngày, nên phải thường xuyên kiểm tra, thu lượm đem ấp để tỷ lệ nở cao. Khoảng một tuần mới biết trứng có trống hay không. Tỷ lệ đạt phụ thuộc vào con trống nên vào lúc gà chuẩn bị sinh sản phải bồi bổ cho gà trống mạnh khỏe…”, anh Biên tiết lộ.
Hiện anh Biên sở hữu trên 40 con gà sư tử Ba Lan bố mẹ với 4 màu trắng, vàng, đen đầu bạc, trắng lai vàng. Gà sư tử Ba Lan vừa đẹp, vừa lạ, sinh sản càng lâu thì màu của chúng đột biến rất đẹp mắt. Điểm đặc biệt là chùm lông trên đầu của chúng như một vương miện nhỏ hoặc trông như bờm lông giống như sư tử. Bản tính lại rất hiếu chiến nên có tên gà sư tử. Gà con 1 tháng tuổi có giá 300.000 đồng/con, gà 8 tháng tuổi giá 2-4 triệu đồng/cặp. Do gà sư tử Ba Lan còn khá hiếm ở miền Tây nên thị trường tiêu thụ ít bị cạnh tranh, hầu hết mỗi đợt có gà giống đều có khách đặt mua trước. Thước đo chuẩn đẹp của giống gà này phụ thuộc hình dáng lạ và màu sắc đẹp.
Ngoài ra, anh Biên còn nuôi khoảng 20 con gà Serama hay còn gọi gà lực sĩ, đây là giống gà nhỏ nhất thế giới. Giá của gà Serama tương đương gà sư tử. Vào giữa năm 2022, anh Biên còn nhập 7 con vịt giống (vịt gọi) với giá 2 triệu đồng/con để về nuôi thử nghiệm. Nhờ kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà, chim kiểng, anh dễ dàng thuần hóa giống vịt này, cho sinh sản ngay tại trại. Hiện anh Biên sở hữu 40 con vịt bố mẹ, vịt con. Giống vịt này nuôi khoảng 8 tháng cho sinh sản. Tuy nhiên, tỷ lệ ấp trứng đạt thấp, chỉ từ 50%, do đặc tính khó ấp hơn so với giống vịt thông thường.
Về chuồng trại, anh Biên xây dựng rộng rãi, bên trong lót gạch một phần, còn lại lót đệm cát và xây hồ bơi để vịt thỏa sức bơi lội. Về kỹ thuật nuôi giống vịt này không khác gì với nuôi các giống vịt địa phương, chỉ cần cho ăn đầy đủ lúa, sâu, dế để vịt phát triển. Đồng thời bổ sung thêm vaccine và phòng trừ bệnh cho vịt. Về hình dáng bên ngoài, vịt gọi có sự khác biệt rất rõ ràng với vịt nhà thông thường. Vịt có thân hình tròn tròn, lông trắng tinh, mỏ màu vàng nhỏ nhắn, chân ngắn, mắt to tròn. Những đặc điểm này đã khiến vịt gọi chiếm trọn trái tim của nhiều bạn trẻ. Chính vì vậy, loài vịt này “gây sốt” trong giới trẻ hiện nay.
Hiện giá vịt gọi loại 1 tháng tuổi được anh Biên bán với giá từ 1,5-2 triệu đồng/con, vịt trưởng thành giá 6-10 triệu đồng/cặp. Sắp tới, anh Biên sẽ tiếp tục nhân giống và nghiên cứu để tăng tỷ lệ ấp trứng đạt cao hơn để cung ứng số lượng lớn ra thị trường.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH