Mô hình cộng sinh của The VOS 

Bước vào một khu đất nho nhỏ rợp bóng mát cây keo lai - hình ảnh cộng sinh giữa một khu vườn rừng keo lai xanh um và linh chi đỏ dưới tán rừng - gieo cho bạn không chỉ là cảm giác nhẹ nhàng mà còn là niềm tin vào cách tính cải thiện sinh kế thông minh hài hòa với môi trường.

Nói được - làm được

"Chú Thế đã lai tạo thành công giống keo lai từ keo bản địa với keo của Úc và chú muốn chứng minh giống linh chi đỏ là dược liệu của nước Việt", Ths Ngọc Vẹn là người trực tiếp chăm sóc khu vườn rừng thực nghiệm này nói về nhà sáng lập - TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The VOS.

Trồng rừng mà không xây dựng chuỗi, thiếu liên kết, thiếu vốn, thiếu chứng chỉ FSC-FM quốc tế dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng thì hội nhập rất khó. Ðó là vách ngăn đầu tiên TS Lê Hoàng Thế muốn nguồn nhân lực trẻ - thực hành mô hình trồng rừng và nấm linh chi đỏ - nhìn thấy.

1698035030.jpg (510×341)

 Ths Ngọc Vẹn là người được chuyển giao kiến thức vận hành và trực tiếp chăm sóc khu vườn rừng thực nghiệm của The VOS tại cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Mô hình kinh tế dưới tán rừng tại Việt Nam chỉ mới khởi động dạng thí điểm sau 5 năm kể từ khi có Luật Lâm nghiệp năm 2017 nên nơi có rừng còn đang nghiên cứu, chưa cụ thể hóa mô hình, chưa đánh giá được mô hình nào là hợp lý nhất. Ðiều quan trọng là phải nâng cao nhận thức quản lý rừng trồng. Rừng trồng của chúng ta chưa đủ chất lượng và chỉ có loại cây keo lai (Acacia Hybrid) là chủ lực nên nguyên liệu gỗ cho chế biến mới chỉ đạt 10%. TS Lê Hoàng Thế, thẳng thắn nói: Nhà nước cần khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn bằng cách kéo dài thời gian thu hoạch từ 5 năm lên 8 năm. Giải pháp cải thiện sinh kế trong thời gian chờ gỗ lớn là trồng nấm thảo dược dưới tán cây, người dân có thêm thu nhập. Phát triển bền vững có khi lại rất đơn giản nếu biết cách làm cho con người và cây trồng chung sống, nuôi dưỡng lẫn nhau.

Hệ sinh thái của The VOS không có khái niệm khai thác rừng mà là thu hoạch từ rừng trồng vào thời điểm thích hợp nhất. Chuỗi giá trị lâm sản từ cây giống - trồng trọt - khai thác - chế biến tinh (đến người tiêu dùng) hướng đến mục tiêu phải làm sao cho giá trị của cây rừng trồng đạt hiệu quả 90-95% và có lợi nhất cho người trồng rừng.

Các hộ lâm dân tham gia chương trình được The VOS hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm… Nấm linh chi trồng dưới tán rừng đã được cấp giấy chứng nhận dược tính cao hơn từ 1,5-2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới. Doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. Chỉ cần định vị giá trị keo lai theo thời gian thu hoạch thích hợp và trồng nấm linh chi đỏ theo đúng tiêu chuẩn vừa có thể cải thiện sinh kế vừa giúp công tác quản lý nhẹ nhàng hơn, cơ hội phát triển rừng bền vững hơn, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên hài hòa.

Bằng chứng

Năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau có chủ trương giao 1.200ha đất rừng nghèo cho TS Lê Hoàng Thế. Một năm sau, tỉnh quyết định chỉ giao 700ha. Mấy năm qua, ông chuyển nhượng thêm hơn 300ha đất của người dân địa phương, khu "rừng ông Thế" tới nay đã rộng tới 1.047ha và sẽ mở rộng tới 1.200ha. Việc đầu tiên, thuê máy đào đất lên liếp để trồng keo lai theo liếp - mỗi liếp 1ha - sau khi làm khu thực nghiệm trên diện tích 10ha để chọn giống phù hợp và lập hẳn phòng thí nghiệm để sản xuất giống cấy mô.

Hơn 1.047ha keo lai của TS Thế làm đất trồng lại rừng bằng máy, cây giống cấy mô, khi thu hoạch - từ thân, vỏ, lá cây được chế biến trả lại cho rừng - khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu tìm tới tham quan, ký hợp đồng mua lâm sản khi rừng đạt chứng chỉ FSC-FM.

Tương tự, tại Ðồng Nai, TS Lê Hoàng Thế lập Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest để thực hiện mô hình lâm nông nghiệp vi sinh quy mô 230ha - ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, sản phẩm lâm nông nghiệp hữu cơ (Organic, Global GAP) và rừng trồng đúng tiêu chuẩn FSC-FM chuyển đổi số gắn với trí tuệ nhân tạo ở huyện Xuân Lộc.

Hiện nay, mô hình từ Cà Mau, Ðồng Tháp đã lan rộng tới Kiên Giang, Gia Lai, Kon Tum, Ðắk Nông, Bảo Lộc, Hà Giang… Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái The VOS để người dân, doanh nghiệp cùng hưởng lợi từ rừng.

Lâu nay, lâm sản là đốn cây lấy gỗ nên cách tính kinh tế lâm nghiệp của TS Thế là sự bất ngờ. FSC (Forest Stewardship Council) là tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, khuyến khích việc quản lý rừng trên thế giới phù hợp với môi trường, có lợi ích xã hội và đạt hiệu quả kinh tế. Thế giới nhận biết FSC-FM (FSC Forest Management) là chứng chỉ dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng tuân thủ 10 nguyên tắc FSC phù hợp các quy ước về môi trường, kinh tế, xã hội.

Rừng được cấp chứng chỉ FSC-FM thì lâm sản được xuất khẩu đi khắp thế giới. Ðối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng dài hạn mua viên gỗ năng lượng (biomass) cung cấp cho các nhà máy điện sinh khối. Gỗ keo lai được thế giới đưa vào danh mục gỗ thương mại từ năm 2015. Gỗ có kích thước lớn thì dùng làm tủ, bàn, ghế; còn nhánh, lá nghiền làm biomass, dăm gỗ... Biomass không bao giờ cạn kiệt nếu có kế hoạch trồng và khai thác rừng bền vững. Mới đây, Ðan Mạch đã đồng ý tài trợ cho Công ty Thúy Sơn của TS Thế xây dựng một nhà máy ở Cần Thơ chuyên sản xuất biomass cho nhà máy điện sinh khối ở Nhật Bản và Hàn Quốc và nơi chế biến dăm gỗ, gỗ xẻ xuất khẩu có nguồn gốc từ rừng ở U Minh. Dự kiến cuối năm vận hành chính thức.

"Nhu cầu biomass cho nhà máy điện sinh khối rất lớn khi nhiều nước nói không với nhà máy điện chạy bằng than đá, nhiên liệu hóa thạch… vì chi phí cao và không bền vững. Chúng ta hoàn toàn làm chủ nguồn cung cấp. Khách hàng đã đặt tôi 200.000m3 gỗ xẻ và 200.000 tấn biomass/năm, TS Thế cho biết.

Hiện nay, nhiều nước nhập khẩu gỗ bắt buộc nơi bán phải có chứng chỉ FSC-FM để xác định nguồn gốc hợp pháp và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Muốn được cấp chứng chỉ này, rừng phải đạt 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí chuẩn mực quốc tế. Mỗi năm, khách hàng của The VOS cần tới 1 triệu m3 gỗ xẻ và 1,5 triệu tấn biomass.

(Còn tiếp)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/mo-hinh-cong-sinh-cua-the-vos-a165636.html
  • :
  • :