Lâm Đồng: Hiệu quả từ trồng dâu, nuôi tằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhận thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế khá ổn định, nên nhiều năm qua, huyện Di Linh đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

 

Đồng bào DTTS xã Đinh Trang Thượng đã cải thiện thu nhập từ nghề trồng dâu, nuôi tằm. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).
Đồng bào DTTS xã Đinh Trang Thượng đã cải thiện thu nhập từ nghề trồng dâu, nuôi tằm. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Với chi phí đầu tư thấp, giá kén tằm khá ổn định, nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân, nên thời gian qua, huyện Di Linh đã chú trọng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại các xã vùng đồng bào DTTS như Đinh Trang Thượng, Tam Bố, Tân Thượng...

Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển ổn định, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện Di Linh đã đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đồng bào DTTS dùng giống dâu mới, tằm mới, phương pháp nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao hơn; đồng thời, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng dâu, nuôi tằm, góp phần giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm thời gian lao động…

Năm 2018, thực hiện Chương trình Dân vận khéo của UBND huyện, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho 33 hộ đồng bào DTTS ở Thôn 3, xã Gia Hiệp. Theo đó, người dân trong thôn đã được hỗ trợ trồng với qui mô 132 ngàn hom giống dâu S7-CB tương đương 32 ha với kinh phí đầu tư gần 53 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại 40% do người dân góp vốn. Bên cạnh đó, chương trình này còn hỗ trợ 30 triệu đồng (theo hình thức hỗ trợ 50%) xây dựng 2 mô hình nuôi tằm như: làm nhà nuôi, hỗ trợ tằm giống, bộ khung sàn lưới, né tằm, khung đỡ né tằm

Ông K’ Brah - Trưởng Thôn 3, xã Gia Hiệp cho biết: “Để giúp bà con thực hiện có hiệu quả mô hình trồng dâu, nuôi tằm, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng dâu, nuôi tằm cho bà con; đồng thời, hàng tuần trực tiếp hướng dẫn bà con từ việc chăm sóc vườn dâu, phương pháp nuôi cho đến việc xây dựng nhà nuôi tằm. Đến nay, từ trồng dâu nuôi tằm đã giúp bà con có thêm thu nhập, ổn định đời sống”.

Chương trình Dân vận khéo do UBND huyện Di Linh triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, không những góp phần làm thay đổi nhận thức trong sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mà còn thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện đồng bào DTTS ở Thôn 3, xã Gia Hiệp đã có trên 70 hộ tham gia trồng dâu, nuôi tằm, tăng 50 hộ so với trước khi triển khai chương trình.

Còn tại Đinh Trang Thượng, Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 42 về lãnh đạo phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Để cụ thể hóa Nghị quyết này, UBND xã đã phối hợp với Đội Sản xuất số 3 - Đoàn Kinh tế Quốc phòng Bắc Lâm Đồng tổ chức những đợt tham quan thực tế các mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Thanh (Lâm Hà) và xã Tân Lâm (Di Linh). Đồng thời, Đoàn Kinh tế Quốc phòng Bắc Lâm Đồng hỗ trợ giống dâu, còn Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh hỗ trợ kiến thức kỹ thuật và một số nông cụ phục vụ chăn nuôi cho bà con…

Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay diện tích dâu tằm của xã đã phát triển trên 20 ha, với trên 60 hộ trồng dâu và đã có trên 30 hộ nuôi tằm. “Hiện nay, có một số hộ trên địa bàn xã vừa trồng dâu nuôi tằm, vừa trồng thêm cây rau màu, nên khi giá cả thị trường ổn định đã giúp bà con có thêm thu nhập và đảm bảo chi phí trang trải cuộc sống gia đình hàng tháng. Còn nguồn thu từ cây cà phê chủ yếu dành để tích lũy”, anh K’ Đức - Bí thư Chi bộ Thôn 2, xã Đinh Trang Thượng phấn khởi.

Không chỉ ở các xã Gia Hiệp, Đinh Lạc, Tân Thượng, Đinh Trang Thượng và Tân Lâm, những năm gần đây, đồng bào DTTS xã Tam Bố cũng đã chú trọng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Theo chị Trần Thị Thúy Kiều - Chủ tịch UBND xã Tam Bố, đến nay người dân địa phương đã phát triển trên 30 ha dâu và đã có trên 60 hộ nuôi tằm, trong đó có 30 hộ là đồng bào DTTS. Trồng dâu, nuôi tằm rất phù hợp với những hộ có điều kiện đất đai ít, thời gian nuôi ngắn để lấy ngắn nuôi dài và tận dụng những lúc nông nhàn của gia đình..., nên xã đang tiếp tục nhân rộng cho bà con trên địa bàn xã phát triển trồng dâu, nuôi tằm.

Ông Vũ Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết, nhờ chú trọng phát triển trồng dâu nuôi tằm nên huyện Di Linh đã có vùng trồng dâu khá quy mô với diện tích 552,6 ha, sản lượng lá dâu đạt khoảng 7.653 tấn/năm. Để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở các xã vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện chương trình sự nghiệp nông nghiệp như mở lớp tập huấn kỹ thuật, triển khai nhiều mô hình, hỗ trợ nông cụ chăn nuôi... Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã thực hiện 10 mô hình trồng dâu nuôi tằm cho các xã Tam Bố, Tân Thượng và Đinh Trang Thượng với kinh phí gần 140 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70% và Nhân dân đối ứng 30%.

 
Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-thon-moi/202108/lam-dong-hieu-qua-tu-trong-dau-nuoi-tam-trong-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-780244/
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :