Kiểm soát nhập khẩu thịt để giảm áp lực thị trường chăn nuôi trong nước

Ngành chăn nuôi đang đối diện khó khăn kép khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi giá gia cầm, lợn hơi ở mức thấp dưới giá thành. Để ngành chăn nuôi sớm khôi phục và phát triển bền vững trong thời kỳ mới, nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ, trong đó, cần kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt để “cứu” giá lợn hơi trong nước.

Ngành chăn nuôi đối diện khó khăn kép

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4/2021 với mức giá bình quân khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg, đến tháng 7, 8/2021 giá bình quân từ 50.000 - 58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg. Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 35.000 - 41.000 đồng/kg tùy từng vùng. Trong khi đó, giá thành sản xuất khoảng từ 53.000 - 60.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi thua lỗ. Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.

3230-lon-hoi
Giá thịt lợn hơi ngày 16/7: Đứng ở mức cao

Đối với sản phẩm gia cầm, giá gà công nghiệp trắng giai đoạn tháng 7, 8/2021 các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam 6.000 - 10.000 đồng/kg, những ngày gần đây các tỉnh phía Bắc lên trên 25.000 đồng/kg, các tỉnh phía Nam 18.000 - 22.000 đồng/kg. Giá gà lông màu không có nhiều biến động trong 9 tháng đầu năm 2021, bình quân dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg tại miền Bắc, giá bình quân tại miền Trung và miền Nam tương đương hoặc thường cao hơn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.

Trong khi ở khâu đầu ra gặp khó, giá giảm sâu thì giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 16 - 36%, dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng khiến ngành chăn nuôi đối diện với khó khăn kép.

Ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi- cho hay, 9 tháng đầu năm 2021, đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao. Đặc biệt, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp trắng, vừa qua vào thời điểm tháng 8 các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng ứ đọng trên 9,3 triệu con khối lượng trên 3,8kg (bình thường xuất 1,8-2,5kg), gà lông màu tiêu thụ được khoảng 70%. Làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn. Lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

Đáng chú ý, giá lợn hơi trong nước giảm mạnh nhưng lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vẫn tăng cao. Theo số liệu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 257 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, dù thịt lợn đông lạnh chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng thịt lợn trong nước. Các nhà máy chế biến nhập thịt lợn đông lạnh vì nguồn cung dồi dào, giá rẻ và ổn định hơn trong nước, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn.

Cần kiểm soát thịt lợn nhập khẩu

Trước khó khăn kép mà ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt, mới đây Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã có Công văn số 56/HCN-CV kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm….

Thịt lợn ba chỉ nhập khẩu từ Nga
Thịt lợn ba chỉ nhập khẩu từ Nga

Nguyên nhân được Hội Chăn nuôi Việt Nam đưa ra là do có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây. Cụ thể, năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% ... đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước. Phần lớn các sản phẩm chăn nuôi trong nước hiện nay đang bán dưới giá thành sản xuất và không tiêu thụ được.

Hiện, Việt Nam đang nhập siêu nhóm mặt hàng thức ăn chăn nuôi trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm. Do đó, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương đàm phán với các nước xuất khẩu lớn có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam. Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới. Mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.

Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Tài chính rà soát điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại. Trong đó: tăng hoặc giữ mức thuế nhập khẩu với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương và điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu một số nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi bổ sung mà trong nước có thể sản xuất được, như: các loại thức ăn khoáng, axit hữu cơ...; đề xuất gói chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất ngành chăn nuôi, trong đó có hạng mục hỗ trợ lãi xuất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất. Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất…

Các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông, khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhất là để người sản xuất kinh doanh chăn nuôi được tiếp cận tốt nhất với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và vật nuôi; dành không gian, quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, phát triển cây thức ăn chăn nuôi.

Với mức tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm, ngành chăn nuôi đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Nguyễn Hạnh

 

Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/kiem-soat-nhap-khau-thit-de-giam-ap-luc-thi-truong-chan-nuoi-trong-nuoc-165786.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :