Sinh viên các trường đại học, cao đẳng tìm hiểu thông tin tuyển dụng thực tập sinh tại “Ngày hội việc làm”, do Thành đoàn - Hội sinh viên TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Anh Lâm Văn Tân, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội SV thành phố, cho biết: “Vấn đề giáo dục kiến thức, kỹ năng mềm và các hoạt động khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp cho SV được nhiều cán bộ, hội viên, SV quan tâm. Các “thủ lĩnh” đề xuất cần có giải pháp nâng cao kỹ năng lập dự án, đề án khởi nghiệp và các kỹ năng mềm cần thiết để SV tự tin khởi sự doanh nghiệp”.
Ngoài ra, các cấp bộ Ðoàn - Hội SV phối hợp sở, ngành tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn để bạn trẻ phát triển dự án khởi nghiệp. Hoạt động truyền thông truyền cảm hứng, hun đúc tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được quan tâm hơn nữa. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội SV Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, đề xuất: “Hội SV thành phố cần quan tâm hỗ trợ “SV 5 tốt” về nghề nghiệp - việc làm, bởi đây là lực lượng có kiến thức, kỹ năng tốt và trải qua sát hạch, đánh giá từ phong trào. Ðây cũng là sự động viên, khích lệ để SV tích cực học tập, rèn luyện”. Nguyễn Hữu Lộc, SV ngành Công nghệ chế biến thủy sản (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ), chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập, việc giáo dục kỹ năng cho SV là yêu cầu cấp thiết giúp bạn trẻ nâng cao khả năng trên thị trường lao động”. Nhiều ý kiến cũng cho rằng tổ chức Ðoàn - Hội SV cần có giải pháp hỗ trợ SV trong học tập, nghiên cứu khoa học gắn với khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Ban Thư ký Hội SV thành phố, thời gian qua, Thành đoàn - Hội SV thành phố phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ SV trong lập nghiệp, khởi nghiệp. Nổi bật là cung cấp thông tin thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực cho SV thông qua mô hình “Ngày hội việc làm”, “Phiên chợ khởi nghiệp”; mở nhiều khóa đào tạo kỹ năng mềm cho SV. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội SV đã tổ chức 50 “Ngày hội việc làm”, đã tư vấn hướng nghiệp cho trên 55.400 SV, trong đó có hơn 27.500 SV có việc làm ổn định. Nhiều khóa tập huấn kỹ năng khởi nghiệp giúp SV tích lũy kiến thức, có thêm trải nghiệm kinh doanh, như: chương trình “7 ngày tự doanh”, dự án “Kỹ năng thành công”, “Ngày hội việc làm - khởi nghiệp sáng tạo”.
Anh Phạm Văn Xuân ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, từng tham gia dự án “Up Green Life” do Hội SV thành phố triển khai, khởi nghiệp với mô hình trà trái cây, cùng nhiều hoạt động tập huấn kỹ năng khởi nghiệp từ khi còn là SV. Trong quá trình tham gia các khóa học và dự án khởi nghiệp, anh có cơ hội cọ xát môi trường kinh doanh thực tế, học được một số kỹ năng, như: tìm kiếm khách hàng, đối tác, chiến lược quảng bá sản phẩm và quản lý đội - nhóm. “Trải nghiệm thực tế là yếu tố quan trọng của những khóa tập huấn, dự án kỹ năng khởi nghiệp mà tôi từng tham gia. Ðó là bài học bổ ích để tôi vận dụng triển khai mô hình khởi nghiệp vào thực tế, giảm thiểu rủi ro và đạt hiệu quả hơn”, anh Xuân bộc bạch. Hiện nay, anh cùng đồng sự đã thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên về marketing, bước đầu gặt hái được “quả ngọt”.
Tổ chức Ðoàn - Hội SV các trường đại học, cao đẳng còn triển khai nhiều mô hình đồng hành cùng SV khởi nghiệp, như: “Cà phê việc làm”, Câu lạc bộ Khởi nghiệp, Bản tin Thông tin - Việc làm, cùng các hoạt động tham quan doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp thành công. Nhằm thúc đẩy phong trào SV khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội SV phối hợp triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học. Trong đó, chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông về khởi nghiệp; huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của SV. Qua đó, hun đúc tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp bạn trẻ tự tin khởi nghiệp.