Khoa học công nghệ mở đường cho xây dựng Nông thôn mới

Khoa học công nghệ là động lực và nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM, góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn.

 

Áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Nhiều mô hình hiệu quả

Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình sản xuất Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở các tỉnh miền Trung”, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng được 12 mô hình sản xuất sản phẩm OCOP tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Theo báo cáo, dự án đã tác động đến hơn 1.400 hộ nông dân sản xuất các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương như gà Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An), cam Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), mật ong Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình), chè Hùng Sơn (Anh Sơn, Nghệ An)... Theo đó, các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 - 30% so với sản xuất ngoài mô hình thông qua hoạt động tăng năng suất, chất lượng và giá bán trên thị trường. Còn tại tỉnh Lào Cai, khi triển khai đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu theo hướng GACP - WHO nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc Phù Lá và Mông trên địa bàn huyện Bắc Hà”, 11 mô hình thực tế đã được thực hiện, bao gồm 3 mô hình thí nghiệm hoàn thiện quy trình kỹ thuật, 3 mô hình sản xuất giống, 4 mô hình sản xuất dược liệu thương phẩm, 1 mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Ngoài ra, dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 130 nông dân, giúp bà con nắm vững kỹ thuật và quy trình sản xuất.

Trong lĩnh vực hạ tầng nông thôn, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao hiệu quả hồ treo cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc vùng cao núi đá Tây Bắc” của Trung tâm Tư vấn, Chuyển giao công nghệ cấp nước và Vệ sinh môi trường đã triển khai 4 mô hình thí điểm cấp nước tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang, góp phần kịp thời xử lý nước và tích trữ nước mùa mưa phục vụ nhu cầu sử dụng nước của người dân địa phương vào mùa khô, đồng thời cải thiện chất lượng nước. Dự án giúp tăng thêm 38,5% tỷ lệ người dân tại 4 huyện vùng cao núi đá Hà Giang được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Tất cả những mô hình trên đều thuộc Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM và được báo cáo tại “Hội nghị sơ kết Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất khung chương trình giai đoạn 2021 - 2025” được tổ chức tại TP Phú Quốc (Kiên Giang) vào cuối tháng 4 vừa qua.

Động lực từ góc nhìn khoa học

Đánh giá những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng “Khoa học công nghệ là động lực và nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM, góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường”.

Tiêu biểu, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM đã làm rõ hơn cơ sở lý luận trong xây dựng NTM cũng như bổ sung căn cứ khoa học cho điều chỉnh bộ tiêu chí NTM; đề xuất một số cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM. Bên cạnh đó, Chương trình đã nghiên cứu xây dựng và chuyển giao nhiều mô hình hiệu quả về chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, đặc biệt các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ: “Trong những năm qua, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM đã thực hiện được khá nhiều việc. Sự vào cuộc của khoa học công nghệ đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của nông thôn Việt Nam vào thị trường thế giới”.

Ngoài ra, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM còn có các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống của cộng đồng khu vực dân cư sống ở nông thôn và đặc biệt là các mô hình bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn.

Chưa dừng lại ở đó, Chương trình đã đóng góp quan trọng vào vào sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (2010 - 2020). Chương trình đã tổng kết và củng cố lại cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn về kết quả 10 năm xây dựng NTM ở Việt Nam từ góc nhìn khoa học trên 7 vùng kinh tế - xã hội của các nước; trên cơ sở đó đóng góp các ý kiến phản biện, làm rõ các thành tựu, chuyển biến cơ bản, phân tích cách tiếp cận, phương pháp thực hiện, nhận diện những yếu tố bền vững, những vấn đề lớn cần giải quyết trong giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030).

Tiếp tục là “chìa khóa”

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, định hướng của Chương trình Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống.

Để thực hiện, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM được xác định tiếp tục là một giải pháp quan trọng để đảm bảo đạt được các mục tiêu toàn diện của Chương trình xây dựng NTM.

Do đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM cần kế thừa và phát huy hiệu quả các đề tài, dự án đã thực hiện trong giai đoạn trước để tiếp tục phát triển và nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo. “Trong đó, chúng ta cần tập trung vào nội dung tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chú trọng khắc phục những khó khăn, thách thức của giai đoạn vừa qua; xây dựng cơ chế, chính sách nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các công trình, chương trình, dự án, thành quả đã đạt được để hướng tới phát triển bền vững cho cộng đồng” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Ông cũng lưu ý về việc triển khai các nghiên cứu khoa học công nghệ hướng tới đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khai thác và phát huy được các lợi thế so sánh của từng địa phương, giá trị của các sản phẩm chủ lực giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng miền nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch theo hướng thúc đẩy phát triển dịch vụ, hình thành các chuỗi tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, đặc biệt các khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc miền núi nhằm giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền.

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm năm 2011, được chia thành 02 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2011 đến hết năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 5 năm - từ 2016 đến 2020, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ đang thực hiện của giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM đã phê duyệt được 62 nhiệm vụ, gồm 28 đề tài và 34 dự án ở nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ chế chính sách xây dựng NTM, quy hoạch nông thôn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP... Từ đó, xây dựng được hơn 60 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị.

 

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/nong-nghiep/nong-thon-moi/202108/khoa-hoc-cong-nghe-mo-duong-cho-xay-dung-nong-thon-moi-780617/
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :