(CT) - Ngày 11-12, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp tỉnh Long An tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố” nhằm thông tin, kết nối giao thương nông sản giữa Long An với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, người sản xuất, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng trong nước và xuất khẩu.
Thu hoạch dưa hấu tại tỉnh Long An. ảnh: C.T
Long An là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt, vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ vùng ĐBSCL, tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh. Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, cùng sự quan tâm đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Long An đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Với khoảng 300.000ha đất nông nghiệp, mỗi năm tỉnh Long An sản xuất khoảng 2,9 triệu tấn lúa; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm khoảng 60%. Tỉnh còn trồng nhiều loại trái cây và rau màu. Về chăn nuôi, tỉnh có đàn gia cầm khoảng 9,2 triệu con, đàn bò khoảng 120.000 con, đàn heo 85.000 con và có 42 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm. Diện tích nuôi thủy sản khoảng 8.850ha, sản lượng 72.000 tấn/năm...
Theo UBND tỉnh Long An, khoảng 20-65% nông sản của Long An được tiêu thụ tại địa phương, tùy loại; còn lại cung cấp cho các địa phương khác trong nước và xuất khẩu. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, đầu ra của nhiều loại nông sản chưa ổn định, tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn... Do vậy, Long An mong muốn tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để triển khai kế hoạch phục hồi sản xuất, khôi phục, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; qua đó, thúc đẩy người dân tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập...
Tại diễn đàn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Long An. Nhiều ý kiến cho rằng, Long An cần tiếp tục tập trung đầu tư, nâng cấp các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa lớn, đạt chất lượng gắn với phát triển chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Quan tâm phát triển cả thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt chú ý đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, phát triển sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm và đảm bảo các vấn đề về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Tỉnh cũng cần quan tâm xây dựng trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tại địa phương và phục vụ vùng ĐBSCL nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản xuất và chuyển giao kỹ thuật về máy móc, cơ giới hóa.
Thanh long hiện là sản phẩm trái cây có thế mạnh tại tỉnh Long An.
KHÁNH TRUNG