Kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối 

Hiện nay, không chỉ tỉnh Sóc Trăng mà sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành trong cả nước gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ðẩy mạnh giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa là dịp chủ thể sản phẩm OCOP gặp gỡ, giới thiệu quảng bá sản phẩm với các doanh nghiệp, các siêu thị, nhà phân phối để tìm hướng đi cho sản phẩm OCOP.

Chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh giới thiệu sản phẩm đến các đại diện hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

 

Cơ hội quảng bá sản phẩm

Theo đánh giá của các nhà phân phối tại Hội nghị "Giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Sóc Trăng năm 2023", tất cả các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của các địa phương trong và ngoài tỉnh đều có cơ hội vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Ông Phan Ðình Xuân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Hợp Nhất, tỉnh Ðắk Lắk, cho biết: "Hội nghị là cơ hội giúp HTX có dịp gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quảng bá sản phẩm chất lượng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP của HTX. Tại hội nghị này, tôi đã rất vui khi được ký kết với hệ thống Sài Gòn Co.op để đưa 3 sản phẩm trà là Trà Xuân Sang, Trà Bồ Công Anh, Trà Hoa đu đủ đực vào hệ thống siêu thị".

Còn ông Nguyễn Hữu Công, nhà sản xuất Chanh leo ngọt Sáu Công ở xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cũng rất vui mừng khi được tham gia hội nghị. Ðây là dịp để ông quảng bá sản phẩm chanh leo ngọt đến các hệ thống siêu thị, nhà phân phối, nhà bán lẻ khắp cả nước. Ông Nguyễn Hữu Công nói: "Sản phẩm được công nhận OCOP nhưng chủ yếu bán cho mối quen, không dám mở rộng thị trường. Qua hội nghị lần này, tôi có dịp giới thiệu chanh leo ngọt với đơn vị Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng và hai bên đã thống nhất ký kết đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Ðây sẽ là niềm vui để tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng và tiến tới hình thành tổ hợp tác, HTX và liên kết thị trường tiêu thụ ổn định để vừa tăng thu nhập cho nông dân vừa đưa chanh leo ngọt vươn xa".

Ðẩy mạnh xúc tiến thương mại

Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2016-2023, tỉnh đã có nhiều định hướng phát triển thương mại, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh. Tỉnh tổ chức cho 37 doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc. Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ký 239 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh và ký 70 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối của các tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, Trung tâm xúc tiến Thương mại tỉnh Sóc Trăng cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong tỉnh giới thiệu, quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông sản, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc biệt là sản phẩm OCOP của các địa phương, thông qua các sự kiện hội chợ, triển lãm, hội thảo, hội nghị cung cầu, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại…

Chính nhờ các hội nghị giao thương, kết nối mà nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương có điều kiện vươn xa. Trong đó, sản phẩm Yến sào Quốc Tín được xem là mặt hàng mới và năm 2024 sản phẩm này sẽ đưa vào trung tâm phân phối chính của Sài Gòn Co.op để bán rộng rãi trong các hệ thống siêu thị. Theo bà Lê Bích Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Quốc Tín, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng khi tham gia các kỳ hội chợ, hội nghị liên kết cung cầu, xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho Công ty quảng bá thương hiệu để đưa sản phẩm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi được tiếp cận hệ thống siêu thị, Công ty thường xuyên có sự điều chỉnh về chất lượng, mẫu mã, bao bì, góp phần nâng tầm sản phẩm.

Ông Nguyễn Hải Trường, Giám đốc Siêu thị Go! Cần Thơ (Tập đoàn Central Retail Việt Nam), cho biết: "Sản phẩm OCOP của Sóc Trăng có tiềm năng rất lớn để tham gia vào hệ thống siêu thị lớn. Vì nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đều đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu cơ bản của các hệ thống siêu thị như công bố về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... Ðể sản phẩm OCOP vươn xa, tồn tại lâu dài thì doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh phải sẵn sàng hợp tác, đưa sản phẩm lên kệ siêu thị và có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, hợp tác sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng… ".

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua Sở đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, phát triển thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, thiết kế website; tham gia các website, sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart,... Ðến nay, tỉnh đưa vào vận hành Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh với tên miền là soctrangtrade.vn, hiện có 96 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đăng ký đưa 253 sản phẩm, hàng hóa lên sàn soctrangtrade.vn; đồng thời, hợp tác liên kết với 17 sàn thương mại điện tử của các tỉnh, thành phố. Qua đó, tạo thêm cơ hội cho sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống phân phối, các trung tâm chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.

Bài, ảnh: DUY ANH

 

Nguồn: https://baocantho.com.vn/ket-noi-cung-cau-giua-nha-san-xuat-va-nha-phan-phoi-a167304.html
  • :
  • :