Huyện Đà Bắc:Nhiều khó khăn trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Huyện Đà Bắc đang hướng tới sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết. Tuy nhiên, việc này không dễ khi sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn manh mún, nhỏ lẻ.

 

Việc tiêu thụ dong riềng của người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) phụ thuộc vào tư thương nên đầu ra bấp bênh, giá trị kinh tế chưa cao. 
 
Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi, núi. Với độ dốc lớn, điều kiện đất đai nhiều nơi không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Từ xa xưa, nghề chính của bà con trong huyện là trồng trọt và chăn nuôi. Các cây trồng chính là sắn, ngô, lúa, dong riềng. Chăn nuôi tập trung chủ yếu là gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, huyện phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở các xã vùng lòng hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, theo đồng chí Bàn Anh Thắng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, vấn đề liên kết trong sản xuất vẫn là "bài toán” khó đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. 
 
"Trước đây, từng có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp ở địa phương trong trồng và tiêu thụ ngô. Song, do nhiều nguyên nhân nên chỉ được một thời gian, sự liên kết không còn nữa. Hay gần đây, trên địa bàn huyện có liên kết về tiêu thụ sản phẩm hạt sachi giữa doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên hiện nay, bà con không tập trung chăm sóc diện tích sachi nên doanh nghiệp không có sản phẩm để làm”, đồng chí Bàn Anh Thắng chia sẻ. 
 
Nhiều năm qua, dong riềng là cây trồng chủ lực ở xã Cao Sơn,  diện tích duy trì từ 250 - 300 ha. Mặc dù cho thu nhập cao hơn so với cây ngô, sắn nhưng dong riềng cũng thường xuyên chịu cảnh bị ép giá. Ba vụ dong riềng gần đây, giá dong riềng dao động từ 900 - 1.500 đồng/ kg. Vụ năm ngoái, giá bán thấp hơn, chỉ từ 900 - 1.000 đồng/kg.
 
Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã  Cao Sơn, hiện nay, việc tiêu thụ dong riềng trên địa bàn phụ thuộc vào tư thương nên đầu ra bấp bênh. Trước đây, trên địa bàn xã có cơ sở sản xuất miến dong. Cơ sở này mới chỉ giải quyết một phần đầu ra cho dong riềng Cao Sơn. Do đó, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm là yếu tố quyết định để nâng cao giá trị của loại cây trồng chủ lực này.
 
Xác định sản xuất theo chuỗi liên kết là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Đà Bắc đã nỗ lực để liên kết giữa các hộ sản xuất với nhau. Như năm 2022, các hộ nuôi lợn bản địa đã liên kết, thành lập HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh (xã Tân Minh). Bước đầu, các thành viên HTX đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về KHKT, giải quyết đầu ra cho sản phẩm lợn đen. Tuy vậy, theo chia sẻ của đồng chí Bàn Anh Thắng, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản phẩm trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, nhiều hộ chưa thực sự chuyên tâm, đầu tư vào sản xuất. Điều này cũng tạo ra trở ngại trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân, bởi doanh nghiệp đòi hỏi những vùng sản xuất có quy mô, đáp ứng về chất lượng và sản lượng.
 
Để tháo gỡ khó khăn, huyện Đà Bắc chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, tập trung thúc đẩy các vùng chuyên canh để thành hàng hóa, xây dựng thương hiệu, như hình thành chuỗi phát triển nghề cá gắn với du lịch homestay ở vùng hồ Hòa Bình, xây dựng chuỗi sản phẩm dược liệu tại xã Yên Hòa.
 
Viết Đào
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/175561/Huyen-Da-BacNhieu-kho-khan-tr111ng-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep.htm
  • :
  • :