Với sự liên kết sản xuất theo chuỗi, HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi) tạo ra những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh như cam, bưởi da xanh Mường Động.
Điểm nhấn quan trọng trong phát triển HTX là liên kết sản xuất giữa HTX và doanh nghiệp từng bước được hình thành. Giai đoạn 2001-2013, các HTX chỉ thực hiện dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như làm đất, bơm nước, dịch vụ thuốc BVTV, chưa đầy 10% HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đến nay, nhiều HTX thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ bằng các hợp đồng, giúp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Đã có 54 HTX được tham gia dự án, chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm.
HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động, xã Tú Sơn (Kim Bôi) là một trong những HTX tiên phong liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Được thành lập năm 2016, đến nay HTX có 26 thành viên. HTX đăng ký 16 ngành nghề sản xuất, kinh doanh (SXKD), trong đó ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất cây ăn quả có múi. Bình quân 1 thành viên có trên 5,5 ha đất trồng cam, quýt, bưởi. Toàn bộ diện tích đều được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, có 86 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường 1,5 nghìn tấn, doanh thu 30 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho gần 300 lao động địa phương, thu nhập của người lao động và thành viên đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với phương châm "sát cánh cùng người sản xuất, đồng hành cùng người tiêu dùng”, HTX tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm quả có múi an toàn, với 100% sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, được tiêu thụ qua hợp đồng. HTX chia thành 5 nhóm sản xuất, gồm các thành viên có diện tích gần nhau để thuận tiện hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, KH-KT.
Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động mong muốn, thời gian tới, các cấp, ngành và Liên minh HTX tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, là cầu nối để các HTX thực hiện liên kết với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp lớn trên cả nước để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Việc thực hiện liên kết theo chuỗi là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho thành viên, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm và nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện liên kết còn hạn chế. Theo đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, việc thiếu liên kết dẫn tới hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh có quy mô siêu nhỏ, nhiều nơi năng lực nội tại và quản trị HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển SXKD, lúng túng trong hoạt động, đầu ra không ổn định. Vẫn còn HTX hoạt động không hiệu quả, phải ngừng hoạt động.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các tổ chức SXKD nói riêng và khu vực KTTT, HTX nói riêng. Đa số HTX mong muốn được các cấp, ngành hỗ trợ thực hiện liên kết với các doanh nghiệp và giữa HTX với HTX để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các HTX xác định: Hiện, yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chất lượng, an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm là một xu hướng tất yếu, đòi hỏi các HTX phải hợp tác, liên kết sản xuất. Đẩy mạnh thực hiện liên kết ngang giữa người sản xuất và liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm. Trong liên kết phải lựa chọn các HTX có tính tương đồng trong tổ chức sản xuất cùng một loại sản phẩm hoặc HTX cung ứng những sản phẩm, dịch vụ nhằm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của thành viên. Liên kết chính là xu hướng mới trong tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại mà thực tiễn đang yêu cầu, đòi hỏi đáp ứng.
Mỗi địa phương trong tỉnh có ưu thế riêng về thổ nhưỡng, khí hậu và sản phẩm. Vì vậy, việc thành lập các mô hình HTX hoạt động với quy mô liên xã, liên huyện với những sản phẩm chủ lực của địa phương là hướng đi đúng và các HTX cần hướng tới. Khi các HTX đủ lớn mạnh sẽ tạo sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh.
Thu Thủy