Hợp sức đưa nông nghiệp ĐBSCL vượt thách thức, phát triển bền vững 

Là nơi cung cấp sản lượng lớn lúa gạo, thủy sản, trái cây phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới.

Là nơi cung cấp sản lượng lớn lúa gạo, thủy sản, trái cây phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ĐBSCL có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu (BĐKH), an ninh nguồn nước, tình trạng di dân ồ ạt, xuất khẩu nông sản chịu sự cạnh tranh gay gắt… Thực trạng này đòi hỏi ĐBSCL phải có những giải pháp linh hoạt, đồng bộ; tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước để vượt qua khó khăn cũng như tìm cơ hội trong thách thức.

Nhận diện thách thức, thời cơ

Mô hình trồng dưa lưới thích ứng hạn mặn tại tỉnh Hậu Giang.

Mô hình trồng dưa lưới thích ứng hạn mặn tại tỉnh Hậu Giang.

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược và phát triển nông thôn, trước hàng loạt thách thức đặt ra đe dọa đến sự phát triển nông nghiệp của vùng nên nhìn vấn đề ở cả 2 mặt: cơ hội và thách thức đan xen. "Chẳng hạn đối với tình trạng BĐKH bên cạnh việc đem đến nhiều bất lợi do sụt lún, xâm nhập mặn, ô nhiễm nước mặt, thiếu nước ngọt là cơ hội để ĐBSCL thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang các giống chịu mặn, đặc sản, giá trị cao. Hay việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản đem lại nhiều lợi nhuận nhưng cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt; tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Ứng dụng khoa học công nghệ giúp xử lý các điểm nghẽn của chuỗi, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế mới nhưng dẫn đến dư thừa lao động, yêu cầu kỹ năng mới…" - TS Trần Công Thắng phân tích.

Từ những nhận định thấu đáo về thực tế sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Đơn cử, Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL thích ứng BĐKH; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng BĐKH; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH ĐBSCL… Những quyết sách này là bộ khung cho nông nghiệp ĐBSCL ở cả thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, mỗi địa phương trong vùng cần có giải pháp, kế hoạch cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, tổ chức trong và ngoài nước để cùng vượt thách thức, tận dụng thời cơ tạo đột phá mới.

Tranh thủ mọi nguồn lực

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen, ngành Nông nghiệp thống nhất cùng với các địa phương, các đối tác tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng. Theo đó, nông nghiệp ĐBSCL phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao kết hợp dịch vụ du lịch, công nghiệp chế biến. Song song đó, thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; phát triển trung tâm logistics sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản; xây dựng nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, góp phần giảm khí thải nhà kính…

Nhiều ý kiến cho rằng, để nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, việc tranh thủ các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước vô cùng quan trọng. Theo Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Bar, Chính phủ Hà Lan cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học để có thể đảm bảo vùng ĐBSCL phát triển bền vững. Trong đó, có hợp tác chặt chẽ về nông nghiệp sinh thái, phát triển giao thông, logistics, công tác quản lý nguồn nước… Theo ông Kees van Bar, cùng với quy hoạch tổng thể ĐBSCL, những quy hoạch tích hợp sẽ là nền tảng vững chắc để khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân, sự hợp tác công tư để cùng hợp lực để chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL.

Bà Khúc Thị Lan Hương, Cán bộ dự án cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết: "Chiến lược của ADB đến năm 2030 trong việc hỗ trợ ĐBSCL ứng phó BĐKH với tổng kinh phí là 100 tỉ USD, trong đó 66 tỉ USD cho giảm thiểu tác động và 34 tỉ USD cho thích ứng. Nguồn kinh phí này tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên: ứng phó tác động BĐKH, xây dựng năng lực thích ứng chống chịu với BĐKH và thiên tai, tăng cường tính bền vững của môi trường; thúc đẩy phát triển nông thôn và an ninh lương thực; phát triển đô thị đáng sống…

Nhiều ý kiến cho rằng, định hướng chuyển đổi nông nghiệp ĐBSCL cần xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng ĐBSCL thông qua phát triển các trung tâm đầu mối nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh. Trong đó, Cần Thơ đóng vai trò hạt nhân liên kết với các vùng sản xuất trọng điểm khác ở các tỉnh lân cận. Theo TS Trần Công Thắng, Chính phủ, các bộ ngành tăng đầu tư cho vùng ĐBSCL nhằm hiện đại hóa hệ thống thủy lợi đa chức năng, đa mục tiêu, thích ứng lũ và hạn mặn; cơ sở hạ tầng logistics; phát triển các tuyến cao tốc, nâng cấp quốc lộ, đường thủy nội địa, cảng, sân bay... Về giải pháp thích ứng với BĐKH, ĐBSCL cần có nhiều chương trình, dự án về nghiên cứu giống cây chịu hạn mặn, quy trình kỹ thuật mới; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; thành lập hành lang đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng BĐKH cho hợp tác xã trong vùng… 

Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2021, GDP nông nghiệp của vùng ĐBSCL đạt 322.100 tỉ đồng, chiếm 30,2% cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của vùng đạt 8,43 tỉ USD (chiếm 20% cả nước), trong đó gạo 2,45 tỉ USD (80%), cá tra 2,15 tỉ USD (95%), tôm 2,13 tỉ USD (60%) và trái cây 1,7 tỉ USD (65%).

Bài, ảnh: MỸ THANH

Nguồn: https://baocantho.com.vn/hop-suc-dua-nong-nghiep-dbscl-vuot-thach-thuc-phat-trien-ben-vung-a151313.html
  • :
  • :