Bài, ảnh: TÂM KHOA
ÔngNguyễn Văn Ì,, thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng mận khu vực Hòa Long, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, nói: “Tham gia THT, tôi được hỗ trợ vay vốn, đầu tư phân, thuốc, được tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn trái. Hiện nay, 13 công mận của gia đình tôi có thu nhập trung bình hơn 200 triệu đồng/năm”.
Lãnh đạo UBND và đoàn thể phường Thới Hòa tham quan, tìm hiểu tình hình sản xuất của thành viên THT trồng mận.
THT trồng mận là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, được xây dựng theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững ở phường Thới Hòa. THT trồng mận do Hội Nông dân phường xây dựng năm 2018, có 9 thành viên, diện tích canh tác trên 9,4ha. Ðến năm 2020 tiếp tục phát triển thêm 1 THT, với 6 thành viên, diện tích là 5,6ha. Theo ông Lưu Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường, tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ vay 20-50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. THT sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần để chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn trái. Hiện nay, thu nhập trung bình của các thành viên từ 100-300 triệu đồng/năm, tùy theo diện tích canh tác. Ông Nguyễn Văn Ì, thành viên THT trồng mận, cho biết: “13 công đất của gia đình tôi trước kia trồng lúa, hiệu quả kinh tế không cao. 4 năm nay, tôi chuyển sang trồng mận, hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa".
Thời gian qua, Khối Dân vận phường Thới Hòa chỉ đạo các đoàn thể xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" mang lại hiệu quả cao. Ngoài mô hình THT làm vườn, Hội Nông dân phường còn xây dựng mô hình THT trồng mãng cầu xiêm, với 6 thành viên, diện tích 5ha. Hiện nay, thu nhập các thành viên đạt từ 150-200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Cường, thành viên THT trồng mãng cầu xiêm cho biết: “Gia đình tôi có 1ha đất trước kia trồng lúa. Năm 2019, tôi chuyển sang trồng mãng cầu, trung bình thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm”. Ông Huỳnh Văn No, thành viên THT, tiếp lời: “Vào THT trồng mãng cầu, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc nên hạn chế được sâu rầy đục trái, năng suất và sản lượng đều tăng. Hiện tại, với 3 công đất trồng mãng cầu xiêm, trừ chi phí, mỗi năm mang về cho gia đình hơn 100 triệu đồng”.
Ở phường Thới Hòa còn nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng sầu riêng chuyên canh và mô hình nuôi ốc bươu đen do Ðoàn phường vận động thực hiện; mô hình THT gia công giày da của Hội LHPN phường xây dựng; mô hình THT trồng nhãn Ido do Hội Nông dân phường thành lập… Theo ông Lê Thiện Tam, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN phường, bên cạnh việc vận động nhân dân tham gia các mô hình làm ăn hiệu quả, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; mở các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, hội viên... Các đoàn thể phường đang quản lý 14 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ hơn 675 hộ vay hơn 23,3 tỉ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Với các biện pháp hỗ trợ thiết thực, 2 năm qua (2020-2021), phường có 21 hộ thoát nghèo. “Hiện nay, phường còn 16 hộ nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững” - ông Lê Thiện Tam nói.
Ông Hoàng Văn Ðôn, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phường Thới Hòa, cho biết: “Ðảng ủy phường tập trung lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập gia đình. Ðồng thời, chỉ đạo tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, có mức thu nhập khá. Mặt trận và các đoàn thể phường cũng tích cực vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở, vốn, giải quyết việc làm... Từ đó, số hộ nghèo của phường giảm hằng năm, đạt và vượt chỉ tiêu được giao”.