Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại mang lại thu nhập cao; đồng thời chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình “nghĩ lớn, làm lớn”, nhiều nông dân vẫn đang loay hoay, gặp khó khăn ngay trên chính mảnh đất của mình…
Vẫn còn nhiều trăn trở…
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1973) ở thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy được biết đến là một trong những điển hình phát triển kinh tế của địa phương với mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Nhưng ít ai biết rằng, trước đây, gia đình chị Thúy từng thuộc diện hộ khó khăn của xã.
Theo chia sẻ của chị Thúy, năm 1996, vợ chồng chị bắt đầu “gồng gánh” con cái lên vùng đất kinh tế mới ở thôn Bắc Thái để lập nghiệp. Ban đầu, gia đình chị chăn nuôi gà, trồng trọt ở các diện tích đất nhỏ lẻ, manh mún. Bởi thế, cuộc sống của gia đình cũng chỉ tạm đủ ăn.
“Năm 2018, tôi quyết “nghĩ lớn, làm lớn”, vay vốn ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà và lợn rừng với quy mô bài bản, khoa học. Kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi cũng tự tìm hiểu, học hỏi qua sách vở. Giờ đã là chủ trang trại tổng hợp có quy mô gần 2ha với hơn 5.000 con gà thịt, 16 con lợn rừng và 2 ao thả khoảng 1.000 con cá trắm, chép, diếc. Hiện, mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 10.000 con gà thịt, thu nhập gần 300 triệu đồng…”, chị Thúy thông tin.
Điều trăn trở nhất với chị Thúy là gia đình đang loay hoay ngay trên chính mảnh đất của mình. Bản thân chị hiện cũng đang trồng trọt và chăn nuôi theo năng lực hộ gia đình với vốn vay, tiền lãi tích góp được bao nhiêu làm bấy nhiêu, mạnh ai nấy làm. Vì lẽ đó, mà trong 6 năm xây dựng trang trại tổng hợp, gia đình chị đều phải tự tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra.
“Vừa rồi, gia đình tôi xuất bán gần 20 con lợn rừng, cả lợn nái và lợn thịt, thu về 150 triệu đồng nhưng tôi cũng phải “tự bơi” tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và giới thiệu của những người thân quen. Thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của gia đình, chủ yếu được tiêu thụ ở các tỉnh khác, như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… Bởi vậy, luôn bị tư thương ép giá và chăn nuôi gần như không có lãi. Hiện, gia đình tôi đang muốn mở rộng quy mô trang trại nhưng nguồn vốn vay còn hạn chế, chỉ mới giải quyết được phần nào…”, chị Thúy cho hay.
Chị Nguyễn Thị Lan (SN 1985) thôn Hương Thi, xã Trường Thủy bắt đầu trồng cam được khoảng 6 năm nay với quy mô 1ha với gần 300 gốc cam. Mỗi năm, vườn cam cho gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo chia sẻ của chị Lan, hàng năm, vào vụ thu hoạch cam, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn khiến gia đình chị và những người nông dân trồng cam ở xã Trường Thủy lo lắng. Bởi, không có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, chị và những người nông dân ở đây phải “tự bơi” giữa thị trường.
“Gia đình tôi rất muốn mở rộng diện tích trồng cam nhưng chính sách hỗ trợ về vốn vay còn gặp khó khăn. Thêm nữa, lại loay hoay lo đầu ra cho sản phẩm. Bởi thế, gia đình vẫn còn do dự. Hy vọng các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm tạo đầu ra lâu dài, ổn định cho sản phẩm…”, chị Lan cho biết.
Đẩy mạnh liên kết, nâng cao giá trị nông sản
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Tùng cho biết, từ lâu, đối với người nông dân ở địa phương, vốn vay, giá cả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là nỗi trăn trở lớn. Hơn nữa, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết đã dẫn đến hàng hóa sản xuất ra chưa có giá trị cao trên thị trường…
Để giải quyết những khó khăn trên, địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ mới theo chuỗi giá trị…
“Huyện Lệ Thủy hiện có hơn 27.500 hội viên nông dân, trong đó, có hơn 20.000 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp. Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện luôn quan tâm vận động, hỗ trợ nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh; tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao; đồng thời chú trọng phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân; giữa doanh nghiệp với hộ nông dân, giữa hợp tác xã với hộ nông dân, giữa các hộ nông dân để sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị…”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Tùng cho hay.
Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn về vốn, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã cho hơn 200 hội viên vay vốn với số tiền hơn 11 tỷ đồng; đồng thời phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Qua đó, giúp nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
“Việc liên kết sản xuất đã kích thích được nhu cầu làm ăn tập thể của nông dân. Nhiều chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập và làm ăn có hiệu quả, qua đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao giá trị hàng hóa của nông dân. Đến nay, toàn huyện Lệ Thủy đã thành lập được 6 chi hội nghề nghiệp và 81 tổ hội nghề nghiệp nhằm quảng bá, giới thiệu, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm…”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lệ Thủy thông tin thêm.
Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư lại cho rằng, hiện, địa phương đã thành lập được hợp tác xã nông nghiệp sạch trồng cây có múi và chi hội nghề nghiệp nông dân trồng cam. Tuy nhiên, nông dân địa phương vẫn rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; đồng thời các cấp, đơn vị có thẩm quyền cần nhanh chóng thiết kế mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu để các sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện đưa vào các siêu thị…