Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như phương tiện vận chuyển giữa các nơi (đồng ruộng về nhà máy sấy/nhà máy xay xát chế biến…) trên địa bàn các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long phải qua nhiều chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều chủ phương tiện từ chối chuyên chở do các chi phí phát sinh hoặc thậm chí là đồng ý vận chuyển nhưng lại không thể được xét nghiệm vì lực lượng y tế không đáp ứng được nhu cầu (hết sinh phẩm xét nghiệm nhanh hoặc các cơ quan có chức năng hạn chế số lượng mẫu nhận xét nghiệm mỗi ngày).
Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn |
Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là đường bộ hiện đang gặp nhiều khó khăn khi tài xế ở một số địa phương phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần nhưng các cơ sở y tế chức năng tại địa phương lại không đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, giá cước vận chuyển quốc tế hiện đang ở mức cao, khan hiếm container rỗng, lịch tàu xuất thường hay bị trì hoãn do thiếu hàng hóa hoặc thủy thủ đoàn bị nghi nhiễm phải cách ly tập trung cũng là những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu của các thương nhân và làm gia tăng chi phí xuất khẩu.
Gạo vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và thực tế, những khó khăn kể trên đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu gạo. Do đó, Tổ Công tác kiến nghị Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có ý kiến chính thức gửi lên Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hình thức mẫu gộp đối với từng bộ phận nhân viên làm việc trong nhà máy. Trong trường hợp, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” thì chỉ áp dụng xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho doanh nghiệp có kế hoạch tự quản lý nhân viên và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các địa phương có chính sách ưu tiên tiêm vắc-xin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường – trong chuỗi cung ứng lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung như: Tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xây dựng và áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ Hè Thu giữa thời điểm dịch bệnh, cụ thể như: mở rộng liên kết tiêu thụ, kết nối liên tỉnh hỗ trợ vận chuyển hàng hóa để hoạt động tiêu thụ lúa cho người dân được diễn ra thông suốt.
Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ đạo khối Ngân hàng Thương mại cho các thương nhân xuất khẩu gạo vay thêm một phần tín chấp để thu mua dự trữ lúa gạo vụ Hè Thu. Đồng thời, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay lên 9 tháng hoặc 1 năm để thương nhân có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ. Bên cạnh đó, đối với những thương nhân không đạt được mục tiêu doanh thu vì lý do liên quan đến tình hình dịch bệnh thực tế, đề nghị các ngân hàng hỗ trợ duy trì hạn mức tín dụng hiện tại, tạo điều kiện cho thương nhân có cơ hội hồi phục và nhanh chóng hoạt động hiệu quả trở lại sau thời gian dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay ước tính đã giảm 10,6% so với một năm trước, đạt 3,6 triệu tấn; kim ngạch ước tính cũng giảm 0,6% xuống 1,9 tỷ USD. Trong đó riêng tháng 7, xuất khẩu ước đạt 500.000 tấn, trị giá 289 triệu USD. Việc xuất khẩu gạo sụt giảm do tác động từ dịch bệnh, phải cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, dẫn tới giá xuất khẩu hiện ở mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. |
Phương Lan