Giải pháp ổn định, an toàn cho nuôi trồng thủy sản 

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu thập, giải quyết lao động tại địa phương.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu thập, giải quyết lao động tại địa phương. Năm 2022, giá cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ cũng như khu vực ÐBSCL tăng trở lại đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng này trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và hứa hẹn bước phát triển tiếp theo.

Con giống cá tra được tiêm vaccine ngừa bệnh phát triển tốt tại Trung tâm DVNN TP Cần Thơ.

Ổn định sản xuất

Hiện nay, tại TP Cần Thơ, vùng nuôi cá tra ven sông Hậu hồi phục khi thị trường xuất khẩu thủy sản tăng trở lại. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP Cần Thơ cho biết: Tình hình xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến nay tăng đều ở các thị trường xuất khẩu chính, như Mỹ, Trung Quốc và EU. Các hoạt động thả nuôi, thu mua chế biến và xuất khẩu cá tra đang phục hồi. Tại vùng nuôi hiện giá bán cá tra nguyên liệu dao động mức 30.000-31.000 đồng/kg, tăng 8.000-9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. So với giá thành nuôi cá tra bình quân ở mức 26.000-27.000 đồng/kg thì mức giá cá tra nguyên liệu này người nuôi có lời từ 3.000-5.000 đồng/kg. Tình trạng thua lỗ của người nuôi trong thời gian dịch COVID-19 (năm 2021) cũng dần được khắc phục.

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, nhận định: "Mặc dù giá cá tra có tăng và bình ổn trong năm 2022, nhưng người dân trên địa bàn quận Thốt Nốt không phát triển diện tích nuôi ồ ạt như trước đây. Ðiều này đã góp phần hạn chế tình trạng "dội hàng" khi cá tra được giá. Hiện nay, đa số các hộ nuôi cá tra trên địa bàn chỉ ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến khi cá đạt kích cỡ thương phẩm, nên giá cả không ổn định, lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ từng thời điểm, do đó đôi khi hộ nuôi thu được lợi nhuận không cao…".

Quận Thốt Nốt có diện tích nuôi thủy sản khá lớn với tổng diện tích nuôi hiện nay là 379,93ha, đạt 89,40% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thịt 341,15ha, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 7,6ha, đạt 87,47% kế hoạch năm; diện tích ương cá tra giống 20,6ha thấp hơn 8ha so với cùng kỳ; diện tích nuôi cá lóc 1,3ha, cá trê 3,88ha, các loại cá khác 13ha, 243 lồng bè nuôi cá trên sông Hậu… Hiện nay, Thốt Nốt có tổng diện tích nuôi thủy sản đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm 164,08ha của 71 cơ sở nuôi cá tra. Trong đó diện tích nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP có 63,08ha của 35 cơ sở; 1 công ty được chứng nhận 10,55ha nuôi theo tiêu chuẩn BAP, ASC…

Từ đầu năm đến nay, Thốt Nốt thu hoạch tổng sản lượng thủy sản nuôi 57.288 tấn, đạt 55,08% kế hoạch năm, tăng 21.410 tấn so với cùng kỳ 2021. Trong đó, sản lượng cá tra thu hoạch 56.050 tấn, tăng 21.410 tấn so với cùng kỳ, đạt 54,95% kế hoạch, sản lượng cá bè 779 tấn, sản lượng cá khác 459 tấn...

Phát triển nguồn nuôi

Ðể đáp ứng đủ nguồn cung con giống thủy sản cho người nuôi, thời gian qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đầu tư trại lai tạo, sản xuất con giống cung cấp cho người dân. Tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) TP Cần Thơ sản xuất thành công các loại giống cá tra, cá chép, tôm càng xanh toàn đực… cung cấp cho người dân nuôi trồng thủy sản.

Theo Trung tâm DVNN TP Cần Thơ, đơn vị có nhiều loại thủy sản nước ngọt được sản xuất và cung cấp cho các địa phương trong vùng. Cơ sở 2 của Trung tâm tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh có 2 ao ương nuôi cá chép giống đợt đầu tiên. Mỗi ao thả ương 2 triệu cá bột và đang xuất bán trên 154kg cá chép giống (cỡ cá 400 con/kg), tiếp tục xuất bán 300kg cá chép giống cho nông dân có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao, trong tháng 7 này tại cơ sở 2 sẽ xuất bán con giống cá tra, con giống tôm càng xanh toàn đực. Bà Trần Thị Tuyết Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN TP Cần Thơ, cho biết: "Ðể nâng cao chất lượng con giống cung cấp cho người dân, vừa qua tại cơ sở 2 đã nhận đàn cá tra bố mẹ 400 con, do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 cung cấp, hỗ trợ. Ðồng thời, cơ sở áp dụng kỹ thuật sản xuất cá tra giống tiêm vaccine phòng chống các bệnh gan, thận, mủ… có thể giúp cá tra nuôi thương phẩm giảm hao hụt trên 30%, góp phần giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nuôi".

Hiện tại cơ sở 2 của Trung tâm DVNN TP Cần Thơ áp dụng kỹ thuật ương con giống cá tra có sử dụng tiêm vaccine cho cá giống trên quy mô 18 ao, bình quân thả 4 triệu bột/ao. Từ đầu năm đến nay thả 94 triệu con cá tra bột, với số lượng thả 23 ao và 6 ao nuôi quay vòng. Trong điều kiện bình thường thả bột từ 34 tuần đạt mẫu 1.000-1.200 con/kg. Sau khi áp dụng kỹ thuật nuôi an toàn, chất lượng, con giống cá tra ương đạt cỡ 100 con/kg sẽ tiến hành tiêm vaccine và khoảng 21 ngày sau đạt cỡ 30 con/kg thì xuất bán. Còn con giống tôm càng xanh toàn đực, tại cơ sở 2 đang thả nuôi với quy mô 9 ao, 2 trại ương con giống, 46.700 con tôm hậu bị được nuôi trong 4 ao (gồm 24.000 con tôm cái và 22.700 tôm đực). Con giống cá tra, tôm càng xanh toàn đực… là nguồn giống đang được cơ sở nuôi tại TP Cần Thơ ưa chuộng và chọn mua con giống.

Ông Lê Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm DVNN TP Cần Thơ, cho biết: "Mục tiêu trước mắt của các cơ sở sản xuất giống đảm bảo nguồn cung các loại vật nuôi, con giống chủ lực, với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trên địa bàn thành phố. Ðể phát huy hết công năng của 2 cơ sở sản xuất giống, Trung tâm có kế hoạch mở rộng sản xuất thông qua phương thức liên doanh, liên kết với các đơn vị doanh nghiệp vừa có tiềm lực về vốn, công nghệ sản xuất giống và đặc biệt có thị trường tiêu thụ con giống thủy sản, cây trồng với số lượng lớn không chỉ trong thành phố mà có thể cung cấp sang các tỉnh trong vùng ÐBSCL…".

Nguồn: https://baocantho.com.vn/giai-phap-on-dinh-an-toan-cho-nuoi-trong-thuy-san-a148713.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :