Giải pháp cấp bách nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã 

Dịch COVID-19 tại TP Cần Thơ và các tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều hợp tác xã (HTX) phải tiết giảm quy mô sản xuất kinh doanh do lo ngại tình hình tiêu thụ hàng hóa, nông sản gặp khó...

Tiếp sức HTX vượt khó

Liên minh HTX TP Cần Thơ đã kết nối cho nhiều HTX làm việc với nhiều đơn vị, đối tác để tiêu thụ hàng hóa trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.

Liên minh HTX TP Cần Thơ đã kết nối cho nhiều HTX làm việc với nhiều đơn vị, đối tác để tiêu thụ hàng hóa trong thời gian thành phố giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Những ngày qua, Liên minh HTX thành phố chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, báo cáo cho Liên minh HTX Việt Nam để tìm các giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, đề xuất với các ban, ngành thành phố tiếp sức cho khu vực kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, Liên minh HTX thành phố đã kết nối cho nhiều đơn vị, đối tác liên kết tiêu thụ gạo sạch của HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu, huyện Vĩnh Thạnh; kết nối cho HTX sản xuất thương mại Nhất Tâm, quận Ninh Kiều làm việc với nhiều đơn vị kinh doanh, để tiêu thụ đầu ra các mặt hàng thủy hải sản chế biến của HTX. Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn cho nhiều HTX nông nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ dành cho HTX… Dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, khiến nhiều HTX tiết giảm quy mô sản xuất, do lo ngại việc tiêu thụ hàng nông sản gặp khó, nhất là giá cả nhiều loại trái cây bị giảm thấp, gây ảnh hưởng đến doanh thu và thu nhập của thành viên và HTX.

Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, cho biết: Khu vực Thới Hòa, phường Thới An có 60 hộ chuyên trồng rau muống, với tổng diện tích trên 18ha, có năng lực cung ứng trên 10 tấn rau/ngày. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, các chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn… đều tạm dừng hoạt động, 10 thành viên của HTX, nông dân trồng rau muống trong khu vực Thới Hòa đã tiết giảm 50% diện tích gieo trồng so với thời điểm bình thường, vì sợ bán không được hàng. Mặt khác, do đặc tính rau muống là rau ăn hằng ngày, nên không thể bảo quản quá 2 ngày trong điều kiện bình thường. Thêm vào đó, việc vận chuyển hàng hóa khá khó khăn, nếu trước đây thương lái tới tận ruộng thu mua và tự chuyển rau ra bên ngoài, bây giờ nông dân thu hoạch xong là phải chở ngay ra các điểm tập kết thu mua cho thương lái… Hiện, trung bình mỗi ngày HTX và các nông hộ ở khu vực Thới Hòa, cung ứng từ 7-8 tấn rau/ngày ra thị trường, với giá 8.000 đồng/kg. Theo ông Bi, trong những ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội, HTX đã nhận được nhiều cuộc điện thoại đặt mua rau đến từ nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh trên địa bàn thành phố, nhưng HTX không có đủ hàng để giao, bởi lượng rau sản xuất mỗi ngày đã được thương lái đặt cọc mua trước và một phần là do HTX cũng như bà con đã giảm diện tích sản xuất vì lo ngại dịch. Điều này cho thấy nông dân cũng như các HTX chưa nắm bắt được diễn tiến của thị trường, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh như hiện nay. Ngoài ra, do thiếu sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, dẫn tới nghịch lý cung không đủ cầu, gây ra “lỗ hổng” thị trường.

Ông Lý Văn Tịnh, Giám đốc HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: HTX Trường Trung A có 54 thành viên, với tổng diện tích trên 28ha chuyên trồng ổi Ruby, mít thái, sầu riêng Ri6… Trong đó, có khoảng 8ha sầu riêng trồng theo quy trình GAP và đang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nên giá sầu riêng từ 45.000 đồng giảm còn 30.000 đồng/kg, làm giảm doanh thu của HTX, thu nhập và đời sống của nhiều hộ thành viên. Theo ông Tịnh, phần lớn nhà vườn trong HTX đều am hiểu quy trình, kỹ thuật trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo đạt năng suất và chất lượng cao. Song, muốn kết mối làm ăn lâu dài với doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho thành viên, HTX rất cần nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, từ việc cung ứng vật tư đầu vào, cây giống đến việc xây dựng nhà kho bảo quản, phân loại trái cây cho thành viên,… Nếu hoàn thiện các khâu này, HTX sẽ hạn chế được thiệt hại do biến động thị trường, có đủ khả năng đàm phán với các doanh nghiệp bao tiêu, bảo đảm đầu ra nông sản và lợi nhuận cho thành viên...

Cần chiến lược cho HTX

Theo ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho HTX, đưa ra các chương trình hỗ trợ giãn nợ hay ưu đãi về vốn cho HTX là giải pháp mang tính ứng phó tình thế, giúp các HTX ổn định sản xuất kinh doanh trước mắt. Về lâu dài, các ngành, các cấp và các địa phương cần tư vấn, hướng dẫn HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, chú trọng ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP… đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ các HTX ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai các chương trình tập huấn cho các HTX ứng dụng các phương thức marketing, bán hàng online… Cùng với đó, các HTX cần nâng cao năng lực nội tại, liên kết với các đối tác, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm đầu ra cho các HTX, Liên minh HTX TP Cần Thơ sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các HTX củng cố, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý điều hành. Nhanh chóng truyền tải các chính sách ưu đãi cũng như các văn bản mới dành cho khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX. Giúp các HTX khắc phục khó khăn, ổn định hoạt động cho thành viên và người lao động trong tình hình dịch bệnh; nâng cao năng lực, phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Hướng tới, Liên Minh HTX Việt Nam sẽ phối hợp với một số tập đoàn kinh tế để xây dựng “Đề án phát triển sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi giá trị”; triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Cùng đó, ban hành quy chế lựa chọn xây dựng, nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả bền vững; đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ công, hỗ trợ cho các HTX khôi phục sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh COVID-19; đầu tư phát triển các trung tâm thương mại và hệ thống phân phối, sàn giao dịch sản phẩm cho các HTX, liên hiệp HTX; triển khai chương trình hợp tác với một số cơ quan, tổ chức để huy động nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX...

Các giải pháp trên không chỉ tạo điều kiện cho HTX ổn định hoạt động, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch được kiểm soát tốt, mà còn nâng cao năng lực thích ứng cho các HTX trong tình hình mới.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn: https://baocantho.com.vn/giai-phap-cap-bach-nang-cao-nang-luc-thich-ung-cho-hop-tac-xa-a136022.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :