Để con tôm ngược dòng vượt khó 

Một lần nữa, ngành tôm lại đứng trước thử thách lớn, mà ngay cả doanh nghiệp tầm cỡ trong ngành tôm cũng cho rằng muốn vượt qua thử thách trên để làm cú ngược dòng về đích thành công là điều không hề đơn giản...

 

Thu hoạch tôm thẻ cỡ 20 con/kg ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. 

Năm 2022 việc nuôi tôm gặp khó vì dịch bệnh, tôm thương phẩm "đắt đồng ế chợ", đội giá thế giới. Nhiều doanh nghiệp tôm, với sách lược của mình, tìm cách trữ nguyên liệu cho tiêu thụ cao điểm cuối năm như mua tôm thương phẩm trữ lúc giá còn mềm, nhập khẩu tôm giá rẻ từ các nước. Bất ngờ tôm các nước cung quá nhiều, trong khi lạm phát suy thoái khiến sức mua không như dự kiến. Càng bất ngờ hơn khi quý I-2023, giá tôm trong nước lại tăng rất mạnh, trong khi giá tôm thế giới đang mức thấp. Trong bối cảnh đó, để giải phóng hàng tồn kho quay vòng vốn sản xuất hay trả nợ các hợp đồng đã ký kết, các doanh nghiệp buộc phải mua đắt, bán rẻ, chấp nhận lỗ 1-2 USD/kg (tùy cỡ tôm) với hy vọng vượt qua khó khăn nhất thời, chờ cơ hội mới, bởi thường qua quý II, lượng tôm thu hoạch sẽ nhiều hơn, giá tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh trở lại.

Ðúng như dự đoán của doanh nghiệp, bước sang quý II này, giá tôm bắt đầu hạ nhiệt dần, nhưng phải đến nữa cuối tháng 4, giá tôm mới bắt đầu giảm mạnh cho đến thời điểm hiện nay. Tuy giá tôm trong nước đã giảm mạnh nhưng giá tôm thế giới vẫn chưa thể cải thiện tốt hơn chút nào, khiến cả người nuôi tôm và doanh nghiệp đều thất vọng. Với giá tôm như hiện tại rất khó để người nuôi có lợi nhuận, nếu có cũng rất mong manh, đặc biệt là với những người nuôi tôm thẻ ao đất, thu hoạch cỡ 50-100 con/kg. Theo tính toán của người nuôi tôm, nếu vụ nuôi suôn sẻ và thu hoạch tôm cỡ 20-30 con/kg thì may ra có lời khá, còn nếu thu hoạch tôm cỡ trung đến cỡ nhỏ thì mức lợi nhuận rất thấp, thậm chí thua lỗ. Tôi hỏi chủ một trang trại nuôi tôm lớn ở Sóc Trăng khi anh vừa thu hoạch tôm thẻ cỡ 60 con/kg do tôm chậm lớn vì nhiễm EHP về mức lợi nhuận thì được anh cho biết: "Nhờ có tỷ lệ ao nuôi thành công khá cao nên tính ra lợi nhuận cũng vào khoản 10-15%. Mức lợi nhuận này tuy có hơi thấp nhưng cũng chấp nhận được trong bối cảnh vụ nuôi khó khăn và giá bán đang thấp như hiện nay".

Ðể con tôm ngược dòng vượt khó, ông Ðặng Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Camimex (Cà Mau), nói : "Rất khó! Tất cả còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Ðơn cử như thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất là Mỹ vẫn chưa biết khi nào mới hồi phục. Mà mỗi khi thị trường này gặp khó sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới các thị trường khác. Từ đầu tháng 5, tuy đã có tín hiệu tốt hơn về nguyên liệu, nhưng còn về thị trường xuất khẩu dù không phải xấu lắm nhưng cũng không tốt như năm 2022. Hay nói cách khác là đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể lạc quan về thị trường tôm từ nay đến cuối năm, mà chỉ có thể nói với nhau rằng, thị trường tuy có sáng hơn nhưng khó có thể bù đắp cho 6 tháng đầu năm nên các doanh nghiệp cũng như cả ngành tôm sẽ khó có khả năng đạt kế hoạch".

Tuy khó có thể làm cú ngược dòng về đích như những năm trước đây, nhưng theo các doanh nghiệp, cơ hội sẽ sáng hơn kể từ quý III trở đi, vì hiện phần lớn các hợp đồng giao quý III, quý IV đều đã có, chỉ có điều giá cả không được tốt như kỳ vọng của cả doanh nghiệp lẫn người nuôi. Với giá tôm trong nước hiện tại, các doanh nghiệp cho rằng, nếu ký hợp đồng giao quý III, quý IV doanh nghiệp vẫn có lời chút đỉnh nhưng phần lớn vẫn rất dè dặt, chỉ dám ký số lượng ít, thời gian giao nhanh. "Ðiều chúng tôi lo ngại là cảnh "đắt đồng ế chợ" vì giá tôm hiện nay không hấp dẫn sẽ khiến nhiều hộ không thả nuôi. Nếu ký số lượng nhiều đến thời điểm giao hàng không có tôm, các doanh nghiệp tranh mua đẩy giá lên cao sẽ cầm chắc thua lỗ"- lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ.

Tuy gặp bất lợi trong cạnh tranh về giá, nhưng ngành tôm Việt Nam cũng có lợi thế lớn về trình độ chế biến và nuôi tôm thẻ về được kích cỡ lớn, giá bán ổn định ở mức tương đối cao. Theo chia sẻ của một doanh nghiệp, hiện đã có một số doanh nghiệp ký được hợp đồng tôm thẻ cỡ 25 con/kg với mức giá cũng khá cao, nên nếu người nuôi tôm có điều kiện thì nên nuôi tôm thẻ về kích cỡ lớn để có được mức lợi nhuận tốt hơn. Thực tế cho thấy, từ khi giá tôm bắt đầu giảm đến nay, nhiều hộ nuôi tôm thẻ ao lót bạt đều có lợi nhuận khá nhờ thu hoạch tôm cỡ lớn. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Sơn chủ yếu dành cho các doanh nghiệp nhỏ, làm ăn trong ngắn hạn với mặt hàng tôm sú là chính, còn tôm thẻ rất khó cạnh tranh với tôm giá rẻ đến từ Ecuado và Ấn Ðộ.

Như vậy có thể thấy, tình hình xuất khẩu tôm từ quý III trở đi sẽ có phần khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm, nên kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2023 kỳ vọng sẽ được cải thiện hơn nhiều. Hay nói cách khác, 6 tháng cuối năm sẽ là cơ hội để con tôm ngược dòng, bù đắp phần nào sự sụt giảm cho 6 tháng đầu năm, đảm bảo xuất khẩu nếu có giảm cũng không giảm sâu so với kế hoạch. Vấn đề hiện nay là người nuôi cần cân nhắc, chọn lựa mô hình, mật độ nuôi sao cho hợp lý để vừa đảm bảo tỷ lệ nuôi thành công cao nhằm giảm giá thành sản xuất, vừa thu hoạch được tôm cỡ lớn có giá ổn định hơn, giúp gia tăng lợi nhuận của vụ nuôi.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/de-con-tom-nguoc-dong-vuot-kho-a159764.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :