Hoạt động tách da cá tra tại Công ty CP Nam Việt, Khu công nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt.
Một trong số doanh nghiệp điển hình tạo ra mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật và có giá trị gia tăng cao phải kể đến Công ty TNHH Amicogen Nam Việt (Aminavico) thuộc Công ty CP Nam Việt, ở Khu công nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt. Hiện, Aminavico có năng lực sản xuất collagen peptide và gelatin từ da cá, với sản lượng trên 780 tấn/năm, phục vụ nhu cầu chế biến dược, mỹ phẩm. Ðặc biệt, đầu tháng 4-2023, Aminavico đã khánh thành và chúc mừng cột mốc giao dịch đầu tiên, xuất khẩu một container, với hơn 5 tấn collagen peptide và gelatine sang thị trường Hàn Quốc. Cùng với đó, Công ty hiện có 15 đối tác nước ngoài đăng ký mua sản phẩm collagen peptide và gelatin do Aminavico sản xuất.
Chia sẻ về hướng đi mới của Aminavico, ông Lê Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Aminavico, nói: Hiện Công ty CP Nam Việt có năng lực sản xuất hơn 450 tấn nguyên liệu cá tra/ngày và có thể cung cấp trên 20 tấn da cá tra/ngày. Và để khai thác giá trị gia tăng từ nguồn phụ phẩm da cá tra, Aminavico đã liên doanh với Công ty Amicogen (Hàn Quốc) đầu tư, xây dựng nhà máy Aminavico chuyên sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra tại khu công nghiệp Thốt Nốt. Nhà máy Aminavico được xây dựng với diện tích hơn 11.00m2, có tổng vốn đầu tư gần 7 triệu USD, có năng lực sản xuất collagen peptide và gelatin từ da cá, với sản lượng trên 780 tấn/năm. Nhà máy Aminavico ứng dụng công nghệ tách chiết xuất theo chuẩn công nghệ Hàn Quốc; đồng thời, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn HACCP và ISO 9001-22000. Theo đó, tất cả nguyên liệu sản xuất đều được Aminavico tuyển chọn kỹ lưỡng và tuân thủ theo quy trình sản xuất khép kín, kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu thành phẩm, để cho ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ tối ưu cho nhu cầu chế biến dược, mỹ phẩm của nhà nhập khẩu. Theo ông Tuấn, với tín hiệu thị trường đầy khả quan, Aminavico và Công ty Amicogen (Hàn Quốc) đã ký kết hợp tác, triển khai giai đoạn 2, mở rộng quy mô nhà máy Aminavico, nâng công suất sản xuất từ 780 tấn lên 1.200 tấn/năm.
Nhận định về việc sản xuất collagen peptide và gelatin từ phụ phẩm cá tra của Aminavico, ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết: Aminavico là một trong những doanh nghiệp điển hình trong khu công nghiệp Thốt Nốt và cũng là điểm sáng trong các khu công nghiệp của TP Cần Thơ, áp dụng có hiệu quả công nghệ tự động hóa và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, biến phụ phẩm công nghiệp thành nguồn nguyên liệu có giá trị. Cụ thể là biến phụ phẩm da cá tra thành collagen peptide và gellatine, phục vụ cho ngành dược, mỹ phẩm; góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Ðể tạo ra giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương, Công ty TNHH chế biến thực phẩm miền Tây, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư nhà xưởng, kết hợp ứng dụng công nghệ sấy chân không, để sản xuất đa dạng các mặt hàng khoai lang sấy, mít sấy, bí rợ sấy… với sản lượng trên 3 tấn sản phẩm thành phẩm/ngày, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Ðài Loan và Hàn Quốc. Bà Nguyễn Thị Hồng Luân, Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm miền Tây, cho biết: Nhận thấy nguồn khoai lang tím của huyện Bình Tân khá dồi dào, lại được canh tác theo quy trình an toàn, nên Công ty đã từng bước xây dựng, mở rộng nhà xưởng từ 3.000m2 lên 5.000m2; kết hợp đầu tư dây chuyền sấy, máy chiên tự động, nhất là ứng dụng công nghệ sấy chân không, theo chuẩn Hàn Quốc... Nhờ vậy, hầu hết các sản phẩm nông sấy của Công ty đều được nhiều doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao về chất lượng, do giữ được hàm lượng dinh dưỡng, màu sắc và hương vị tự nhiên so các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Do vậy, Công ty luôn giữ được nhịp độ tăng trưởng, ổn định hợp đồng với các đối tác, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 40 lao động địa phương; đồng thời, góp phần gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản đặc trưng của vùng ÐBSCL.
Việc các doanh nghiệp ÐBSCL nắm bắt xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư công nghệ chế biến sâu vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị giá tăng cao. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao giá trị cho nông sản, thủy sản và thu nhập của người dân địa phương, mà còn góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho ngành Nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững trong xu thế mới.