PV: Ông đánh giá như thế nào về sự hoạt động của nhiều lò sấy cà phê trên địa bàn huyện trong thời gian qua?
Ông Lê Văn Hoàng: Đắk Mil là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Nông từ trước đến nay. Huyện có hơn 21.000 ha cà phê, sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Phần lớn diện tích cà phê của huyện đã cho thu hoạch. Cà phê cũng là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.
Sản lượng cà phê lớn, cộng với vào thời điểm thu hoạch, thời tiết trên địa bàn thường xuyên âm u, mưa nhiều, nên bà con không thể phơi khô sản phẩm bằng ánh nắng mặt trời như cách thông thường. Chính vì thế, các lò sấy cà phê đã lần lượt ra đời. Đến nay, toàn huyện đã có 329 lò rang, sấy cà phê.
Trước hết, phải nói rằng, hoạt động của các lò sấy cà phê có nhiều mặt tích cực. Nó giúp bà con nông dân bảo đảm cho sản phẩm không bị hư hỏng. Chất lượng hạt cà phê cũng được nâng lên rõ rệt. Bà con nông dân đỡ vất vả hơn nhờ có các lò sấy cà phê.
Tuy nhiên, hoạt động của các lò sấy cà phê ít nhiều có những hệ lụy, nhất là vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại một số địa bàn. Vấn đề này đã được người dân, báo chí phản ánh khá nhiều trong thời gian qua.
Đồ họa: Hồng Thoan |
PV: Vấn đề ô nhiễm môi trường từ lò sấy cà phê đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng tại sao vẫn chưa thể giải quyết được, thưa ông ?
Ông Lê Văn Hoàng: Phần lớn các lò sấy cà phê trên địa bàn đều có công nghệ lạc hậu, chủ yếu hoạt động theo phương thức thủ công. Nhiên liệu phục vụ hoạt động cho các lò sấy cà phê trước đây là củi.
Còn hiện nay, bà con sử dụng thêm cả vỏ cà phê nữa. Sử dụng các nguyên liệu này là nguyên nhân gây nên khói, bụi. Nhất là các lò sấy nằm trong hoặc gần khu dân cư thì khói, bụi gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người dân.
Hằng năm, huyện đều thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn các chủ lò sấy thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thải khói, bụi ra môi trường. Từ đó, nhiều cơ sở đã thực hiện việc nâng cao ống khói, có biện pháp kỹ thuật tại lò sấy, hạn chế lượng khói bụi.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều lò sấy gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại một số cụm dân cư dọc quốc lộ 14, xã Thuận An (Đắk Mil). Nguyên nhân chính là do các chủ cơ sở không đủ tiềm lực để di dời các lò sấy hoặc đầu tư công nghệ tốt hơn. Nhận thức của người dân về vấn bảo vệ môi trường cũng chưa cao...
PV: Thưa ông, vậy để giải quyết được tình trạng này, địa phương có những giải pháp nào ?
Ông Lê Văn Hoàng: Huyện ủy, UBND huyện Đắk Mil đã có các văn bản chỉ đạo, quyết liệt xử lý vấn đề này. Huyện đã xây dựng lộ trình để di dời các lò sấy đến các khu sản xuất tập trung, khu vực xa dân cư hoặc vào khu công nghiệp Thuận An.
Huyện tích hợp công tác bảo vệ môi trường vào quy hoạch, đề án xây dựng Đắk Mil thành thị xã xanh, sạch, đẹp đến năm 2025. Khi Khu công nghiệp Thuận An hoàn thành xây dựng hạ tầng giai đoạn 2, huyện sẽ có điều kiện thuận lợi hơn cho các lò sấy vào hoạt động.
Huyện cũng tính đến một số ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các chủ lò sấy chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân đầu tư công nghệ, xây dựng các lò sấy hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Thoan thực hiện