Cựu chiến binh xã Phong Phú thi đua làm kinh tế giỏi

Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cán bộ, hội viên, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Phong Phú (Tân Lạc) đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân hội viên CCB đạt 66 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm gần 60%, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 8,8%. Nhiều mô hình kinh tế của CCB làm chủ đã giải quyết nguồn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Lãnh đạo, cán bộ, hội viên cựu chiến binh huyện Tân Lạc và xã Phong Phú chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế.

Hộ ông Đào Văn Lân, xóm An Phú là hội viên CCB tiêu biểu trong mô hình phát triển chăn nuôi lợn. Với nhiều năm kinh nghiệm, hiện diện tích chuồng nuôi của gia đình ông Lân mở rộng quy mô gần 200 m2 được xây dựng kiên cố. Bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn lợn. Ngoài ra, gia đình làm thêm nghề đậu phụ, nấu rượu với mong muốn nâng cao thu nhập. Tổng thu nhập của gia đình đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Lân chia sẻ: "Phát huy phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế thời bình, nhiều năm qua, chăn nuôi lợn là mô hình kinh tế chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Tuy nhiên, năm 2021 giá lợn xuống thấp còn khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi giá năm 2020 đạt đến 80.000 đồng/kg. Thực tế đó đã gây khó khăn cho các hộ phát triển chăn nuôi do giá thị trường bấp bênh, sụt giảm nghiêm trọng. Để tiết kiệm nguồn kinh phí thức chăn ăn chăn nuôi, gia đình tận dụng bã đậu, bỗng rượu để làm nguồn thức ăn cho đàn lợn. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp phối hợp với ngành chăn nuôi có nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn. Qua đó tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế, thu nhập ổn định”.

Hội CCB xã Phong Phú có 578 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Là xã trung tâm của vùng Mường Bi, dân cư sinh sống tập trung, có tuyến quốc lộ 6 chạy qua địa bàn… Đó là những tiềm năng, lợi thế để cán bộ, hội viên CCB tận dụng cơ hội phát triển các mô hình trồng cây có múi, cây ăn quả, chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh dịch vụ thương mại… Theo rà soát, toàn xã có gần 300 mô hình CCB làm kinh tế giỏi; 14 trang trại, gia trại phát triển hiệu quả; trên 100 hộ kinh doanh dịch vụ… Tiêu biểu như hội viên Lê Chí Sơn, Vũ Văn Hà (chi hội Tân Phú), Đinh Công Sản, Nguyễn Văn Chiến (chi hội Mường Lồ), Bùi Quang Lư (chi hội Sơn Phú).

Thực hiện các hoạt động nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên trong phong trào thi đua lao động sản xuất, hàng năm, Hội CCB xã chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể duy trì tổ chức từ 3 - 4 buổi tập huấn về chuyển giao KHKT. Thường xuyên tổ chức gặp mặt, giao lưu nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Duy trì xây dựng nguồn quỹ hội đạt 800.000 đồng/hội viên/năm. Từ nguồn quỹ, Hội CCB đã đa dạng hoạt động hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên nghèo, hộ chính sách vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Bùi Văn Thái, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: Thời gian tới, Hội CCB xã khuyến khích cán bộ, hội viên tích cực thi đua lao động sản xuất; năng động, tìm tòi, sáng tạo phát triển các mô hình kinh tế mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ sở. Mong muốn các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, chuyển giao KHKT ứng dụng trong quá trình sản xuất. Tạo mối liên kết tiêu thụ giúp hội viên CCB tiêu thụ các mặt hàng nông sản với giá thành ổn định. Từ đó tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.

Đức Anh

 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/164437/Cuu-chien-binh-xa-Ph111ng-Phu-thi-dua-lam-kinh-te-gioi.htm
  • :
  • :