Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc là một trong những giải pháp trọng tâm được huyện Minh Hóa chú trọng thực hiện thời gian qua, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt cho hay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng địa phương sẽ giảm chi phí, giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, huyện luôn tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn đưa những cây, con có năng suất, chất lượng, phù hợp, hiệu quả vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường.

Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Minh Hóa những năm qua đã có nhiều khởi sắc, không những tạo thu nhập mà còn góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Những năm trở lại đây, gia trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Cao Thị Dung, bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa ngày càng được mở rộng về quy mô. Trước đây, gia đình chị cũng như nhiều hộ gia đình khác chỉ biết làm lúa rẫy, nuôi thả vài con gà, lợn trên nương, quanh vườn. Vì vậy, hiệu quả kinh tế không cao, thời gian chăn nuôi dài và nếu gặp dịch bệnh thì coi như mất trắng. Nhưng từ khi được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn, cách phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại tập trung và được vay các nguồn vốn ưu đãi, từ chỗ chỉ có vài con lợn giống, hiện nay chị đã xuất bán đều đặn mỗi tháng. Chị Dung chia sẻ, gia đình chủ yếu chăn nuôi giống lợn bản địa nên rất được thị trường ưa chuộng. Vì làm chủ được khâu chọn giống, kỹ thuật chăn nuôi nên ít năng suất, chất lượng tốt, mang lại thu nhập ổn định.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhiều địa phương ở Minh Hóa cũng tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân đầu tư cải tạo vườn đồi, vườn tạp chuyển sang trồng chuyên canh các loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thời tiết cũng như nhu cầu thị trường. Trang trại gần 3ha trồng cây ăn quả đã giúp gia đình bà Cao Thị Vây, ở bản Lương Năng, xã Hóa Sơn thoát nghèo nhiều năm nay. Từ vườn đồi quanh nhà, bà Vây mạnh dạn phát tỉa, trồng các loại cây ăn quả theo mùa như mít, cam, bưởi, hồng xiêm… để có nguồn thu nhập ổn định quanh năm. Từ thành công của gia đình bà Vây, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc vào sản xuất.

Trong năm 2024, huyện Minh Hóa thực hiện gieo trồng trên 4.000ha, tổng sản lượng lương thực đạt 11.328 tấn, tổng đàn gia súc trên 34.000 con và tổng đàn gia cầm gần 145.000 con. Đến nay, các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch gắn với công tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới theo hướng hữu cơ nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Điển hình, như: Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa Hương Bình theo hướng hữu cơ tại xã Tân Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Lúa SV 181, HĐ9 và Ngô CP511 trên địa bàn xã Minh Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa PC6 trên địa bàn xã Yên Hóa; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô CP511 và lạc L14 trên địa bàn xã Hóa Thanh; mô hình trồng chăm sóc bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGaP tại xã Hóa Hợp; mô hình trồng đỗ tương, ớt mọi tại xã Thượng Hóa...

Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng liên kết bao tiêu sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển những sản phẩm đặc sản, có lợi thế của từng địa phương thành các sản phẩm OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
X.P
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202501/chu-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-2223753/
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :