Trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại TP Cần Thơ được kiểm tra, đảm bảo an toàn hoạt động trong mùa khô hạn.
Khô hạn, xâm nhập mặn gia tăng
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết: Giữa tháng 1-2024, mặn tiếp tục lên cao trên các cửa sông, ranh mặn 4g/l cách biển 40-30km. Triều cường, gió chướng có thể làm mặn vào sâu thêm 5-7km so với dự báo. Các địa phương cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn để lấy nước phục vụ sản xuất. PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nhận định: “Mùa khô năm 2024, nguồn nước về ÐBSCL thuộc nhóm năm ít nước, do ảnh hưởng của El Niño, nắng nóng, dòng chảy phụ thuộc vào sự vận hành thủy điện trên lưu vực. Dự báo mặn xâm nhập mùa khô 2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy các địa phương cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó phòng, chống hạn mặn phù hợp với điều kiện của vùng”.
Từ nay đến cuối tháng 1-2024, vùng thượng ÐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ), nguồn nước đủ cho sản xuất nông nghiệp, nhưng khó khăn chủ yếu ở vùng núi cao như Tịnh Biên, Tri Tôn (tỉnh An Giang). Vùng giữa ÐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), nguồn nước cơ bản đảm bảo, vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Vùng ven biển ÐBSCL (bao gồm ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), XNM bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Do vậy, cần chuẩn bị các phương án ứng phó và tích trữ nước hợp lý khi nguồn nước chưa bị ảnh hưởng mặn, đặc biệt là tại các vùng ăn trái thuộc huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc - Nam thuộc tỉnh Bến Tre; huyện Kế Sách - tỉnh Sóc Trăng…
Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, điều đáng chú ý là tích nước ở các bậc thang thủy điện phía thượng nguồn thuộc Trung Quốc năm 2023 được xem là có bất thường, hồ Nuozhadu ở phía dưới chuỗi bậc thang thủy điện Trung quốc mới tích dưới 50% dung tích hữu ích. Vì vậy, có thể xảy ra vận hành tích nước ở hồ này làm mất đi nguồn nước điều tiết xuống hạ lưu từ khu vực thượng nguồn vào một số thời điểm, chính vì vậy các địa phương vùng ÐBSCL cần tiếp tục theo dõi nguồn nước, chủ động các giải pháp ứng phó khi cần để đảm bảo ổn định sản xuất.
PGS.TS Nguyễn Nghĩa Hùng nhấn mạnh: “Năm 2024 XNM đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Mặn cao nhất ở tháng 2 và 3 với ranh giới mặn 4g/l từ 50-65km từ các cửa sông. Các đập thuỷ điện thượng nguồn tích nước bất thường có thể làm mặn vào sâu 55-70km, do đó các địa phương vùng ÐBSCL cần chủ động các giải pháp thích ứng với hạn hán và XNM trong năm ở điều kiện như dự báo…”.
Chủ động ứng phó
Tại TP Cần Thơ, công tác ứng phó khô, hạn, XNM đang được ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhằm thực hiện đạt và vượt mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2024, Sở NN&PTNT thành phố xây dựng kế hoạch thủy lợi mùa khô năm 2024 trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp ứng phó khô hạn, thiếu nước sản xuất. Trong đó phát động phong trào toàn dân tham gia làm thủy lợi để nâng cao nhận thức, hình thành tập quán lâu dài, bền vững trong nhân dân về công tác thủy lợi và ý thức, tinh thần trách nhiệm về tu bổ, sửa chữa các công trình thủy lợi sau mỗi năm phục vụ sản xuất; tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh tưới tiêu nội đồng bị bồi lắng, ách tắc, sạt lở kết hợp với việc tu bổ hệ thống đê bao, bờ bao, nhằm đảm bảo chủ động trong công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn; xây dựng mô hình thủy lợi khép kín để chủ động tưới tiêu và phòng chống úng, hạn đối với sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn TP Cần Thơ...
Năm qua, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác thủy lợi, khai thông, dự trữ nước phục vụ cho sản xuất. Ðiển hình quận Thốt Nốt, năm 2023, triển khai thực hiện 19 công trình phát triển nông thôn, nạo vét, khai thông dòng chảy. Trong đó, công trình thực hiện từ vốn đầu tư công nạo vét kênh Thác Lác, Mương Khai - phường Trung Nhứt, Thốt Nốt với chiều dài 5.555 mét, khối lượng thực hiện 49.061m3, kinh phí đầu tư gần 1,1 tỉ đồng, phục vụ 190ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Công trình thực hiện từ vốn sự nghiệp, gồm 5 công trình với tổng chiều dài 15.148 mét, khối lượng 90.505m3, kinh phí đầu tư gần 2,1 tỉ đồng, diện tích phục vụ sản xuất 523ha. Trong năm 2023, quận Thốt Nốt có 9/9 phường ra quân thực hiện công tác thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh thủy lợi nội đồng gồm 15 công trình, với tổng chiều dài 5.105 mét; khối lượng thực hiện 8.515m3, đạt 132% kế hoạch năm. Vốn nhân dân đóng góp 168 triệu đồng, phục vụ 170ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp...
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ đang rà soát nội dung, xây dựng dự toán Ðề án Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Cần Thơ; trình UBND thành phố phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tham mưu UBND thành phố thống nhất chủ trương tham gia hợp tác triển khai Chương trình thành phố Xanh năm 2023 trên địa bàn thành phố theo đề xuất của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam; hoàn thành Dự án Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu và tăng cường mạng lưới quan trắc XNM tại TP Cần Thơ” - MKCF do Bộ Ngoại giao Hàn quốc tài trợ…
Ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, ngành chức năng thành phố và các địa phương tăng cường công tác ứng phó khô hạn, thiếu nước, nạo vét kênh rạch và khai thông dòng chảy, dự trữ nước phục vụ sản xuất. Sở TN&MT cũng tiếp tục tổ chức thực hiện dự án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, phân định vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Phối hợp giám sát, theo dõi diễn biến khí tượng, thủy văn, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cảnh báo XMN và triển khai thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050...”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN