Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi mùa nắng nóng

Từ đầu tháng 4 đến nay, những đợt nắng nóng kéo dài xuất hiện làm cho môi trường ao nuôi dễ biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước, tôm dễ bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng, nguy cơ xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm là rất cao. Để có vụ nuôi tôm thành công, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tăng cường quản lý tại các vùng nuôi tôm.

 
Hiện, đã bước vào chính vụ nuôi tôm, các địa phương cơ bản đã triển khai cải tạo ao, xuống giống cho vụ nuôi năm 2024. Tính đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm mặn lợ toàn tỉnh là 1.172/1.490ha đạt 78,7% so với kế hoạch, bằng 100,9% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, gần đây dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra tại 2 hộ nuôi thuộc 2 xã Hàm Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh) với tổng diện tích bị bệnh 0,8ha.
 
Ông Trần Văn Hàn, thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) cho biết, gia đình ông có 3 hồ nuôi tôm với diện tích 1ha. Giữa tháng 4/2024, ông bắt đầu xuống giống vụ nuôi với số lượng 20 vạn giống tôm thẻ chân trắng. Để bảo đảm chất lượng cũng như sản lượng tôm nuôi, ngay từ đầu vụ, gia đình đã đầu tư cải tạo hồ nuôi, chú trọng việc chọn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, thả đúng mật độ, đúng khung lịch thời vụ, quản lý các yếu tố môi trường, chăm sóc, phòng bệnh cho tôm. Tuy nhiên, khi tôm được 30 ngày tuổi, do thời tiết diễn biến phức tạp nên đã xuất hiện tôm chết với tỷ lệ cao tại 2 hồ với diện tích 0,5ha, ước tính thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.
images786025_images786009__DSC2389.jpg (800×480)

Thời tiết nắng nóng, tôm nuôi rất dễ bị bệnh do sức đề kháng yếu.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh Trần Văn Trung cho biết: Sau khi nắm bắt thông tin, tôm có hiện tượng chết nhiều tại hộ nuôi trên địa bàn, trung tâm đã khẩn trương lấy mẫu tôm xét nghiệm để xác định nguyên nhân chết, kịp thời khoanh vùng, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp cách ly để xử lý. Đối với các ao nuôi có kết quả xét nghiệm bị các bệnh nguy hiểm, UBND huyện Quảng Ninh đã hỗ trợ hóa chất Chlorine dập dịch theo đúng quy định. Để hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đến tôm nuôi, huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan, UBND xã phân công cán bộ tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc, nhằm nâng cao sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm.
 
Thực tế hiện nay, nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhưng con tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết nắng nóng như hiện nay rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đồng hành cùng bà con nuôi tôm, các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tôm các biện pháp chống nóng, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, như: Nâng cao mực nước trong ao nuôi; sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào thời điểm nắng nóng gay gắt trong ngày và vào ban đêm... nhằm tránh phân tầng nhiệt độ trong ao nuôi, tăng hàm lượng oxy hòa tan.
 
Để hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã khuyến cáo người nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp hiệu quả nhằm bảo vệ tôm nuôi và nâng cao năng suất: Quan sát và theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển, sức khỏe của tôm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước như pH, độ mặn, oxy hòa tan, amoniac,... để duy trì trong ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. Vào mùa nắng nóng, đôi khi xuất hiện cơn mưa trái mùa, môi trường nước biến động nhất là yếu tố pH, nhiệt độ, tôm dễ bị sốc môi trường, giảm sức đề kháng do đó cần thường xuyên kiểm tra độ pH trong ao để điều chỉnh kịp thời.
 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Về chế độ chăm sóc mùa nắng nóng, cần cho tôm ăn đầy đủ, thức ăn bảo đảm chất lượng, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn sử dụng, định kỳ bổ sung vitamin và khoáng chất cho tôm; thao tác đánh bắt, kiểm tra tôm nhẹ nhàng, các dụng cụ nuôi cần được khử trùng để tránh lây lan mầm bệnh.

Ngoài ra, khi phát hiện tôm chết bất thường, người nuôi phải thực hiện khai báo với thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra tình hình thực tế, thu mẫu xét nghiệm và hướng dẫn thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định. Khi tôm bị dịch bệnh, các hộ nuôi cần thực hiện “3 không”: Không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý, không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường nhằm tránh gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Công Tám cho biết: “Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, năm nay, số đợt nắng nóng có thể xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, mức độ cũng gay gắt hơn, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được thiết lập. Hiện nay, chi cục đang phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, vùng nuôi; xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát chủ động, nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, các biện pháp ứng phó, xử lý nhằm ngăn chặn tác nhân gây bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào địa bàn tỉnh, thường xuyên lấy mẫu quan trắc cảnh báo môi trường, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm tình hình. Nếu dịch bệnh xảy ra, ngành chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời cho người nuôi tránh lây lan dịch trên diện rộng.
Thanh Hoa
Nguồn: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202406/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-tom-nuoi-mua-nang-nong-2219017/
  • :
  • :