Chàng quản lý khách sạn đi trồng nấm bào ngư

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người bị thất nghiệp. Trong khó khăn, một số người đã tìm được hướng đi mới và Đỗ Thành Sơn là một người trong số đó.

 

Anh Sơn chắm sóc những phôi nấm bào ngủ trong trại nấm của gia đình
Anh Sơn chăm sóc những phôi nấm bào ngủ trong trại nấm của gia đình.

Men theo con hẻm nhỏ của khối phố Sơn Phô 2 (phường Cẩm Châu, TP Hội An), chúng tôi đến khu trồng nấm bào ngư của gia đình anh Sơn. Trại nấm có diện tích hơn hơn 150m2, thiết kế theo quy trình khép kín với các giàn treo nấm cách nhau nửa mét, các phôi nấm đặt nằm ngang trên giá với hệ thống tưới phun sương vừa giữ ẩm cho nấm vừa tiết kiệm nước tưới.

Vừa xử lý phôi cấy nấm bào ngư vừa trò chuyện với chúng tôi, Sơn cho biết ngày trước anh làm quản lý khách sạn, thu nhập hàng tháng trên 15 triệu đồng. Dịch bệnh bùng phát, khách sạn đóng cửa, Sơn thất nghiệp. Mất việc, gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình đè nặng trên vai anh.

Tình cờ biết TP Hội An mở lớp đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp, anh tìm đến. “Tôi học nghề làm nấm bào ngư trong vòng 3 tháng. Sau khóa học, tôi cầm cố sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng 200 triệu đồng để dựng trại, mua phôi và thuê nhân công. Hiện nay, tôi đã hoàn thành nhà trữ nấm và cấy phôi được hơn 7.000 bịch. Đợt đầu, tôi thu được hơn 40kg nấm thành phẩm, bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng một ký. Đợt 2 này, tôi tăng sản lượng phôi nấm lên 15.000 bịch và đang tìm cách xử lý để kịp có nấm thu hoạch trong các ngày rằm và mùng 1 Âm lịch hàng tháng. Những ngày này nấm tiêu thụ nhiều và giá cũng cao hơn”, anh Sơn chia sẻ.

Anh cho biết thêm: “Để trồng được nấm bào ngư, ngoài các yếu tố kỹ thuật, người trồng còn phải chăm nấm như chăm trẻ con vậy. Phải hiểu chúng để biết chúng ưa gì, kỵ gì mà đáp ứng hoặc tránh né để giảm thiểu các thiệt hại không đáng và đạt sản lượng tốt nhất. Những kinh nghiệm trồng và chăm sóc nấm tôi đều học thêm qua sách báo, mạng xã hội. Hiện nay, tôi đang tìm cách mở rộng thị trường để việc tiêu thụ nấm được thuận lợi hơn.”

Ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu, cho rằng mô hình trồng nấm bào ngư của anh Sơn tuy mới bắt đầu nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, nhờ vậy mà anh Sơn có thể trang trải được phần nào các nhu cầu của gia đình. Cũng theo ông, không chỉ mạnh dạn đầu tư trồng nấm bào ngư, anh Sơn còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều thanh niên địa phương đang thất nghiệp đến học nghề và thử nghiệm trồng nấm ngay tại trại nấm của gia đình mình.

Trao đổi với chúng tôi về chương trình dạy nghề miễn phí cho các thanh niên thất nghiệp hoặc đang gặp khó khăn tại địa phương, bà Lê Phương Đức, Phó Trưởng Phòng Lao động Thương binh và xã hội thành phố Hội An, cho biết chi phí dạy nghề miễn phí cho mỗi học viên/khóa học là 2 triệu đồng. Các học viên đi học và thực hành hoàn toàn miễn phí, được đội ngũ giáo viên có uy tín truyền đạt nhiều kinh nghiệm, ra trường có thể thực hành ngay hoặc được bố trí vào các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng việc làm.

Theo bà Đức, nhiều học viên đã có công ăn việc làm ổn định khi dịch Covid-19 tạm lắng, một số khác tự mở cơ sở kinh doanh, sản xuất và nhiều người trong họ đã khá thành công mà anh Sơn là một minh chứng.

 

Nguồn: http://nongthonviet.com.vn/guong-mat/nhan-vat/202109/chang-quan-ly-khach-san-di-trong-nam-bao-ngu-781902/
  • :
  • :