Chăn nuôi heo theo mô hình kinh tế tuần hoàn thu tỷ suất lợi nhuận lên tới 60%

Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trên một số trang trại heo quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2 - 3 năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức sáng 21/3.

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

TS. Võ Trọng Thành - đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, thời gian qua, ngành chăn nuôi ghi nhận bước tăng trưởng mạnh về đàn vật nuôi và sản lượng vật nuôi. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng đàn heo đạt hơn 28,8 triệu con, đàn trâu bò đạt hơn 8,9 triệu con, đàn gia cầm đạt 533 triệu con. Sản lượng thịt, trứng, sữa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Giá trị toàn ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 23,7 tỷ USD.

TS. Võ Trọng Thành cho rằng, với xu hướng tăng trưởng như hiện nay, số lượng đàn vật nuôi lớn có tác dộng nhất định đối với môi trường. Do vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn là định hướng của việc xử lý các vấn đề môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Thế Hinh - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đã khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam.

Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ông Hinh cho biết hiện nay có ba công nghệ chính, bao gồm xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới (nước thải sau biogas thông qua hệ thống lọc).

Trong thời gian qua, dự án hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp (LCASP) đã xây dựng mô hình tại 10 tỉnh dự án với kết quả ban đầu, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2.000 đầu heo/bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas.

Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn 5 - 6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại heo quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.

Ông Nguyễn Thế Hinh khẳng định, các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao, song vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng.

Đối với mô hình máy tách phân, ông Hinh cho biết đa số các trang trại áp dụng sản xuất phân bón từ chất thải chăn nuôi theo hướng tự phát quy mô nhỏ và vừa, không nắm rõ các thủ tục đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ.

Do đó, đại diện Ban Quản lý các dự bán nông nghiệp đề xuất tạo điều kiện đăng ký, buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ cho người dân quy mô nhỏ; hình thành, phát triển hệ thống thu gom, tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các trang trại quy mô nhỏ và vừa.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, việc phát triển và nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, HTX còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.

Lấy ví dụ, ông cho biết: chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… nhưng vận chuyển thì lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường.

Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy, phân hủy hết, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian lên tới cả chục năm.

Đưa ra một số giải pháp để phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung, TS Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) - cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, HTX sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Cần xây dựng chiến lược truyền thông ở các cấp, gắn với các hoạt động khuyến nông cũng như thúc đẩy số hóa.

Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030, TS. Võ Trọng Thành cũng khuyến nghị, cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi. Triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi heo....

Nguyễn Hạnh
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Nguồn: https://congthuong.vn/chan-nuoi-heo-theo-mo-hinh-kinh-te-tuan-hoan-thu-ty-suat-loi-nhuan-len-toi-60-247171.html
  • :
  • :