Những năm qua, ngành tôm nước ta đã có nhiều đổi mới và phát triển, đặc biệt nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm để nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dù vậy, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam vẫn còn hạn chế và ngành tôm đối mặt nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt...
Con tôm giữ vai trò quan trọng
Sản xuất, kinh doanh tôm giống tại một doanh nghiệp ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Con tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển ngành thủy sản và nền kinh tế của nước ta, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu tôm luôn chiếm ở mức cao, với từ 36,8 đến 50,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2020, diện tích nuôi tôm đạt 736.500ha, sản lượng 900.000 tấn, xuất khẩu đạt kim ngạch 3,78 tỉ USD, chiếm khoảng 44,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm 2021, diện tích nuôi tôm của nước ta đạt khoảng 747.000ha, sản lượng 980.000 tấn và xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 3,89 tỉ USD.
Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua ngành tôm và nuôi trồng thủy sản nói chung của nước ta gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Dù vậy, với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, ngành tôm nước ta tiếp tục đạt được kết quả khá tốt về diện tích, sản lượng nuôi và giá trị xuất khẩu. Năm 2021, nước ta đã nuôi tôm đạt diện tích khoảng 747.000ha, sản lượng gần 1 triệu tấn và nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,2 triệu tấn tôm nguyên liệu/năm. "Năm qua, chúng ta đã có 220.000 con tôm bố mẹ, bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu, qua đó sản xuất được khoảng 145 tỉ con giống, cung cấp đầy đủ cho nhu cầu nuôi tôm thương phẩm. Chất lượng tôm giống khá tốt, giúp bà con nông dân nuôi đạt hiệu quả. Năm 2021, nước ta cũng có được kết quả xuất khẩu tôm khá tốt, với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,89 tỉ USD. Kết quả này là nhờ tôm có chất lượng sản phẩm tốt, công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu được ngành chức năng quan tâm..." - ông Khôi cho biết.
Nông dân và doanh nghiệp trong ngành tôm đã liên kết và áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng và chế biến để nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh cho ngành hàng. Đến nay, cả nước đã có hơn 200.000ha nuôi tôm công nghệ cao, trong đó tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 2 mặt hàng tôm xuất khẩu chủ lực và chiếm diện tích nuôi lớn nhất hiện nay. Theo Tổng cục Thủy sản, qua 4 tháng năm 2022, diện tích thả nuôi 2 loại tôm này đạt hơn 571.000ha, trong đó tôm sú 536.000ha, tôm thẻ chân trắng là 35.000ha. Sản lượng đạt 218.700 tấn, trong đó tôm sú đạt 69.600 tấn, tôm chân trắng đạt 149.100 tấn.
Cần tháo gỡ khó khăn
Ngành tôm liên tục đạt được sự tăng trưởng tốt về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành tôm nước ta vẫn còn đối mặt với nguy cơ phát triển không bền vững do hiệu quả sản xuất còn hạn chế, dẫn đến thu nhập của người nuôi tôm còn thấp và việc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm trong chuỗi giá trị con tôm cũng còn tồn tại bất cập. Cùng với đó, ngành tôm nước ta cũng đang phải đối mặt với các thách thức do sự biến đổi của khí hậu, môi trường, dịch bệnh. Hội nhập quốc tế đem lại những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức để cạnh tranh, nhất là yêu cầu sản phẩm không chỉ đạt chất lượng, an toàn mà phải có giá bán cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm, thành viên Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: "Nhiều mô hình nuôi tôm theo quy mô lớn và áp dụng đồng bộ các công nghệ mới vào sản xuất đã khẳng định mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nông dân còn gặp khó trong ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm, cũng như do thiếu vốn nên khó đầu tư chuyển đổi từ ao đất sang nuôi trong ao lót bạt nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện giá bán tôm đang khá tốt, giúp người nuôi có lời. Tuy nhiên, chi phí nuôi tôm đang tăng mạnh do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Bởi giá tôm tới đây khó tăng theo giá thức ăn do tôm Việt Nam phải cạnh tranh về giá với nhiều nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ecuador…". Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, để phát triển con tôm, tới đây chúng ta phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và tiếp tục quan tâm làm tốt công tác xúc tiến thương mại để ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ.
Để phát triển bền vững chuỗi giá trị con tôm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tất cả các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng phải tích cực vào cuộc để hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Kịp thời ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tăng cường liên kết, lựa chọn mô hình nuôi phù hợp từng vùng gắn với kiểm soát tốt chất lượng con giống, thức ăn, chất lượng nước cho ao nuôi và kiểm soát chất thải, mầm bệnh và đầu tư phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ngành tôm hiện còn gặp các khó khăn và hạn chế trong các khâu sản xuất tôm giống bố mẹ, kỹ thuật, vốn và việc liên kết trong chuỗi ngành hàng. Hiện việc liên kết trong ngành tôm còn chậm so với con cá tra, cần phải đẩy nhanh và mạnh hơn để ổn định đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng giá cả đầu ra lên xuống bấp bênh. Để hình thành chuỗi liên kết từ các khâu đầu vào như con giống, thức ăn... đến cả quá trình nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thì rất cần vai trò thúc đẩy của các cấp chính quyền tại địa phương.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG