Bước chuyển cho nông nghiệp ĐBSCL từ chuyển đổi số 

Là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng ÐBSCL bước đầu hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy CÐS vào lĩnh vực này.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng ÐBSCL bước đầu hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy CÐS vào lĩnh vực này. Thực tế, CÐS trong nông nghiệp giúp nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và gia tăng lợi nhuận.

Nông dân thực hiện thao tác truy xuất nguồn gốc nông sản.

Vào cuộc tích cực

Hiện nay các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư ngày càng nhiều hơn, chuyên sâu hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CÐS trong nông nghiệp tại ÐBSCL. Ðơn cử, nhiều nông dân ở tỉnh Sóc Trăng áp dụng quy trình ngập khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động giúp giảm được chi phí bơm tưới, nâng năng suất và chất lượng vùng lúa chất lượng cao. Hay tỉnh Ðồng Tháp thực hiện đề án CÐS ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; TP Cần Thơ lồng ghép CÐS trong công tác khuyến nông, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp để khuyến khích nông dân tham gia CÐS trong nông nghiệp… 

Ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Trên địa bàn thành phố, việc áp dụng các công nghệ số trong nông nghiệp đã tăng lên với tốc độ nhanh chóng. Bằng việc sử dụng ngày càng nhiều các công nghệ số, nông nghiệp Cần Thơ đang dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Trong đó, có thể kể đến các mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel, mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và ứng dụng điện toán đám mây; mô hình điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; mô hình cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi; mô hình cảm biến môi trường nuôi thủy sản... 

Quá trình số hóa nền nông nghiệp ÐBSCL còn có sự vào cuộc tích cực của nhiều doanh nghiệp. Ông Cao Gia Huấn, Trưởng Ban Công nghệ thông tin Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), cho biết: Hiện tập đoàn đã đưa một số ứng dụng về chẩn đoán sâu bệnh vào ứng dụng tại các vùng nguyên liệu bao tiêu của công ty. Từ đây, bà con có thể cung cấp hình ảnh, thông tin, qua đó các kỹ sư nông nghiệp sẽ đưa ra những khuyến nghị, tư vấn và hướng hỗ trợ. Ngoài ra, tập đoàn cũng liên kết với các đối tác lớn, trong đó có Viettel, VNPT để rút ngắn thời gian đưa các ứng số vào thực tế sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con.

Nỗ lực từ nhiều phía

Tuy đạt được kết quả bước đầu, song nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định hoạt động CÐS trong nông nghiệp vùng ÐBSCL vẫn còn là vấn đề khá mới và chưa triển khai sâu rộng. Theo Th.S Vũ Sơn, Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường Ðại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay, nhận thức về CÐS trong nông nghiệp có thể nói là đang bị phóng đại ra nhiều lần, là phải ứng dụng công nghệ hiện đại này, ứng dụng mô hình kia. Mặt khác sự phát triển quá nhanh của công nghệ làm người nông dân bị “ngộp” không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào và tiếp cận ra sao…

Từ thực tế đó, Th.S Vũ Sơn nhấn mạnh: CÐS không chỉ là ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa, đầu tư trang thiết bị mà quan trọng hơn đó là tái cơ cấu mô hình quản lý, sản xuất và tiếp cận thị trường. CÐS cần sự đồng bộ trong nhận thức, trách nhiệm CÐS là của tất cả mọi thành phần, cá nhân. Phải coi mình là một nhân tố thúc đẩy CÐS từ đó thay đổi, cập nhật để bắt nhịp với sự phát triển công nghệ và thị trường. Về góc độ quản lý nhà nước, theo ông Trần Hoàng Phương cần có những cơ chế, chính sách về CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất. Từ đó, các địa phương, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã… chủ động đầu tư khoa học công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới về CÐS.

Mặt khác, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu CÐS nói chung và CÐS nông nghiệp ở vùng ÐBSCL hiện nay là vô cùng cấp thiết. TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam (tỉnh Trà Vinh), chia sẻ: “Là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số để xây dựng quy trình sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững hơn trong nông nghiệp và thủy sản, chúng tôi đang có nhiều đề xuất hợp tác với Trường Ðại học Cần Thơ. Ðơn cử như xây dựng chương trình sinh viên vừa học, vừa làm hay cộng tác với các thầy cô thực hiện các dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ số, sinh học phân tử, phân tích và tổng hợp dữ liệu, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản…”.

Như vậy, CÐS trong nông nghiệp bao gồm việc tạo dựng môi trường, hệ  sinh thái số nông nghiệp làm nền móng; kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Ðồng thời, tăng tỷ trọng, hàm lượng công nghệ số; phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, chính xác sẽ là giải pháp tối ưu cho phát triển bền vững nông nghiệp ÐBSCL.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/buoc-chuyen-cho-nong-nghiep-dbscl-tu-chuyen-doi-so-a153108.html
  • :
  • :