Bậu ăn cá bống 

Con nước đầu tháng 8, mỗi lần trút cá bống vô xô là thấy mình khỏe hơn, vui hơn sau những ngày cật lực chắt mót nguồn lợi từ khúc sông này. Chưa biết nhiều ít thế nào, nhưng cứ hy vọng mùa cá bống trứng cuối tháng bảy, tháng tám âm lịch… Lão ngư ba Cát, nuôi niềm an ủi thành hy vọng.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

 Ông ba Cát nói: "Con nước và con cá đều suy giảm". 

Mùa cá bống

Muốn kho tiêu một ơ cá bống, thêm ớt, thêm hành hay tẩm nghệ… Giá cá bống đầu mùa mua ở Phong Ðiền 100.000 đồng/kg, bán ở Ninh Kiều - cách 7-8 cây số - với giá 270.000 đồng/kg làm sẵn. "Giá rẻ hơn phân nửa là hơi hẹp, nhưng thôi có cá bán là mừng rồi", lão ngư ba Cát nói.

Sống ở chân cầu Tràng Tiền, Phong Ðiền, xưa nay ai cũng biết ông là Trần Văn Cát, giống chữ cát tường mà nhà ở ọp ẹp; sau này làm giấy tờ ghi Trần Văn Cát, sửa đi sửa lại phiền phức nên thôi Cát hay Các cũng chỉ là một người hàng ngày ghi chép nguồn thủy sinh trên khúc sông này thôi.

"Vài chục năm trước cũng ở khúc sông này, thả một tay lưới, dính cá cóc, cá he, mè vinh… bán cá mua được 15kg gạo. Chừng nửa tiếng gỡ một lần; giăng câu, thả lưới vậy mà tui nuôi mấy đứa em đi học. Bây giờ, không đủ nuôi một mình", lão ngư Trần Văn Cát tiếc nuối thời hoàng kim của nghề hạ bạc!

Ðã một thời người nuôi cá lồng bè muốn có một tấn cá thương phẩm, sẵn sàng xay nhuyễn 3 tấn cá tạp; hễ loại nào giá bết quá thì thành cá tạp - làm vật hi sinh.

Những năm nước đổ từ thượng nguồn, lũ lớn - cá trong ao nuôi theo nước tràn bờ ra sông, nhưng mấy năm nay không mùa nước đổ. Năm nay nước dưới sông chưa ăn thua, nên họa hoằng chỉ có vài con cá phóng sinh lạc loài dính lưới. Con nào trúng ghe cào xuyệt điện từ ngoài sông lớn tới rạch sâu thì cá lớn - cá bé chết một lượt.

Cách nào cũng không có sức hủy diệt ghê gớm như cắt khúc dòng Mekong. Người ta nói dù chỉ khoảng 1% diện tích bề mặt trái đất là nước ngọt, nhưng tạo hóa phân bố nhiều loài và cho chúng đặc tính di cư khiến hệ sinh thái tự nhiên vận hành theo kiểu chia sẻ, bù đắp. Có thể lên Internet, vô YouTube nghe các nhà thiết kế đập thủy điện nói họ làm những bậc thang cá, xem như cách thích ứng cho cá di cư từ thượng nguồn về ÐBSCL. Thật trớ trêu, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông ba Cát buộc phải nhìn thấy sự kiệt quệ! Liệu có thể nuôi hy vọng khi thượng nguồn làm thang cho cá leo qua, bơi về hạ lưu? "Sông nước bây giờ yếu lắm"!", ông Cát nói.

"Nước mang theo phù sa kiến tạo đồng bằng trong suốt 5.000 năm, phải bảo vệ nguồn nước như đấng thiêng liêng", Giáo sư Eric Jamewalles, Ðại học Arkansas (Mỹ), từng khuyên cư dân ở châu thổ. Tới nay, hy vọng các nước thượng nguồn chia sẻ thông tin tích nước, xả đập từ các đập thủy điện cũng đã quá khó. Thiên sử ca rực rỡ của dòng chảy Mekong sẽ khép lại khi không thể bảo vệ nguồn nước, không thể làm gì trước sự suy giảm nguồn lợi tự nhiên.

"Hiện nay, con người đã bỏ qua sự biến mất của nhiều loài cá, thậm chí không nhận ra những đe dọa nghiêm trọng từ hệ sinh thái", Tiến sĩ Jon Hutton, Giám đốc điều hành WWF nói đó là lý do WWF và 15 tổ chức phi chính phủ và liên minh ủng hộ Khẩn cấp Kế hoạch phục hồi đa dạng sinh học nước ngọt và hành động để đảo ngược nhiều thập kỷ suy giảm.

Vị vua và cá bống

Ai đó gởi cho ông ba Cát ảnh chụp hai loại cá bống do Thái thượng hoàng Akihito phát hiện trước đây, căn dặn "nếu nhìn thấy thì đừng bán cho người kho tiêu, thêm ớt thêm hành"…

Quyển "Fishes of Cambodian Mekong" do FAO ấn hành cho biết, sông Mekong có hơn 2.500 loài thủy sản, riêng cá bống có 6 loài, phân bố rộng rãi ở các nước như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Ðộ...

Từ năm 1975, tác giả Akihito và Meguero đã công bố kết quả nghiên cứu cá bống (Glossogobius aureus), theo Walter J. Rainboth, nhà sinh học Trường Ðại học Wisconsin Oshkosh (Hoa Kỳ).

Năm 1976, Tiến sĩ Akihito đã phát hiện giống cá bống cát trắng Glossogobius sparsipapillus tại một nhánh sông Cần Thơ. Hầu hết các loài cá bống đều dài chưa đến 10cm, riêng công trình nghiên cứu cùng Tiến sĩ Meguero, Nhật Hoàng Akihito đã tìm ra 2 loài cá bống mới là Glossogobius aureus (có chiều dài khoảng 12cm) và Glossogobius sparsipapillus (có chiều dài 24cm).

Cá bống.

Ðến ngày 7-1-1989, Hoàng Thái tử Akihito lên ngôi Nhật Hoàng, Ðế hiệu Minh Nhân. Công trình nghiên cứu của Nhật Hoàng cho thấy loài cá có khả năng thích nghi môi trường đa dạng và Nhật Hoàng Akihito đã phân loại các loại cá bống cùng một loạt loại cá nhỏ khác sống ở nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Ðặc biệt, có khả năng thích nước với những thay đổi nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu.

Ngày 11-5-2009, công trình nghiên cứu cá bống cát trắng đã được chuyển giao cho Trường Ðại học Cần Thơ. Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm thương phẩm trong ao đất và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá bống cát (Glossogobius aureus) nhằm đánh giá khả năng sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá bống cát trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Thời gian nghiên cứu từ tháng 10-2022 đến tháng 2-2023. Mô hình nuôi thử nghiệm cá bống cát trong ao sau 4 tháng nuôi ước đạt tỷ lệ sống khoảng 80%, khối lượng cá đạt trung bình 40 gram/con, sản lượng ước đạt 2.900kg, hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR) 1,6 khi sử dụng thức ăn công nghiệp, tốc độ tăng trưởng theo ngày về khối lượng là 0,3 gram/ngày và chiều dài là 0,07 cm/ngày. Cá bống cát thích nghi và sinh trưởng tốt trong ao nuôi thâm canh. Cá đạt khối lượng trung bình khoảng 40 gram/con sau 4 tháng nuôi từ con giống có khối lượng trung bình khoảng 2,7 gram/con là khá nhanh.

Theo Rin (Jun 30, 2021), Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản công bố phát hiện thêm hai loài cá bống mới tên là Awayuki-futasuji-haze và Seboshi-futasuji-haze của Thái thượng hoàng Akihito sau khi xác định các cơ quan xúc giác trên đầu cá cùng nhiều đặc điểm khác.

Trên website của Ichthyological Research mô tả hai loài cá bống Callogobius thuộc họ Gobiidae được tìm thấy ở đảo Zamami và Iriomote ở Okinawa từ năm 2001 đến năm 2008. Phát hiện này đã nâng tổng số loài cá bống được Thái thượng hoàng Akihito phát hiện lên 10 loài. Ðể tôn vinh vị Vua - nhà khoa học - giải mã loài cá bống, giống mới được đặt tên là Exyrias Akihito. Năm 2007, một giống cá bống cát có nguồn gốc từ Vanuatu cũng được đặt theo tên "Akihito Vanuatu".

Sau khi thoái vị một năm, nhà khoa học Akihito chuyển đến sống tại quận Minato, Tokyo. Ở đó có phòng thí nghiệm sinh học trong khuôn viên của Cung điện hoàng gia Tokyo để tiếp tục nghiên cứu về cá bống.

Này bạn, thức dậy đi! Chuyện nay chứ không phải chuyện cổ tích - không phải "Tôm nấu sống Bống để ươn" đâu.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/bau-an-ca-bong-a163072.html
  • :
  • :