Bất ngờ từ Thaifex Anuga Asia 2023 

Thật bất ngờ khi bối cảnh chung có vẻ suy giảm nhưng xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ và đặc biệt sản phẩm Plant based lại tăng lên rất cao tại Thaifex Anuga Asia 2023

Đi - về và chia sẻ góc nhìn

Khánh Hà Foods, một trong những đơn vị đã có đơn hàng đầu tiên xuất đi Ấn Độ khi tham gia Thaifex về. Ảnh: TR.Q

Khánh Hà Foods, một trong những đơn vị đã có đơn hàng đầu tiên xuất đi Ấn Độ khi tham gia Thaifex về. Ảnh: TR.Q

Thaifex Anuga Asia 2023, diễn ra từ 23-27/5/2023 tại Thái Lan, là nơi triển lãm và hội tụ của 3.034 doanh nghiệp đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ hội giao thương thực phẩm và đồ uống lớn nhất châu Á.

Theo Ban tổ chức, 78.764 khách tham quan là thương nhân từ các hệ thống bán lẻ, bán buôn, các nhà sản xuất đến từ 133 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng giao dịch tại Thaifex đạt trên 3,4 tỉ USD. Đây là con số kỷ lục vì chỉ trong 3 ngày, trên 80% cuộc giao thương thành công, các hợp đồng được ký kết và ngày cuối cùng thì mở cửa cho khách nội địa tham quan.

Chương trình HVNCLC - Chuẩn hội nhập, phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức đoàn doanh nhân, gồm những doanh nghiệp HVNCLC, HVNCLC - Chuẩn hội nhập, các Start up tăng trưởng và doanh nghiệp đang tham gia Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam - USAID IPSC) tham gia sự kiện này.

"Năm nay có 33 doanh nghiệp trưng bày tại Ngôi nhà chung do Hội Doanh nghiệp HVNCLC thiết kế, 18 doanh nghiệp từng tham gia Thaifex 2022, ý thức xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe, độc đáo để chào hàng với thế giới. Tất cả đúng định hướng đã tính trước từ bên nhà, nhưng vẫn có nhiều đều rất bất ngờ", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh  nghiệp HVNCLC nhận xét.

Trở về TP Hồ Chí Minh, thông tin còn nóng hổi, ngày 3-6-2023, Hội Doanh  nghiệp HVNCLC mời các chuyên gia ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, phân tích các xu hướng mới từ Thaifex 2023. Ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan (online) nói rằng, tại Thaifex, Hội Doanh  nghiệp HVNCLC phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Bộ Thương mại Thái Lan; Central Group Thái Lan… tổ chức tọa đàm: "Kinh nghiệm của Thái Lan phát triển kinh tế xanh và sản phẩm bền vững"; "Tận dụng cơ hội thâm nhập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm xanh và bền vững của Việt Nam". Có người hỏi Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thực phẩm thế giới? Ông Huy trả lời: Việt Nam đang đứng cùng Thái Lan, ASEAN và Trung Quốc, chia miếng bánh từ phân khúc đại trà và tập trung vào các sản phẩm thiết yếu. Với tiềm năng của Việt Nam, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại dịch chuyển từ phân khúc đại trà sang phân khúc trung bình khá để có thể tăng giá trị cho các sản phẩm thiết yếu. Nguyên liệu của Việt Nam thực sự là bài thuốc, không chỉ giúp sức khỏe được cải thiện mà còn là nguyên liệu xanh, giúp sản phẩm công nghiệp có chỗ đứng ở các thị trường ngách khác với Thái Lan.

Chăm sóc hệ tiêu hóa

Năm ngoái, Future Food là sự thể nghiệm sống động cho chiến lược BCG (Bio - Circular - Green) của Thái Lan với: Thực phẩm chức năng; thực phẩm mới có tính sáng tạo cao; thực phẩm có tác dụng thay thế thuốc điều trị; thực phẩm hữu cơ.

"Năm nay, thay vì nói sức khỏe chung chung, xu hướng chăm sóc hệ tiêu hóa nổi bật vì hệ tiêu hóa bất ổn thì mọi thứ sẽ rối tung, và vì là dạng bột sản phẩm tiện dụng, vì là thảo dược nên nguồn nguyên liệu hữu cơ - dễ truy xuất nguồn gốc - bảo đảm giá trị dược tính, được ưa chuộng", DS. Đoàn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty Hygie & Panacee (Cần Thơ) - chuyên sản xuất dược trà từ vườn rau, cây thuốc - vừa trở về từ Thaifex, nhìn thấy xu hướng mới.

"Thái Lan sử dụng dừa nhiều hơn mình, nhưng sản phẩm dầu dừa lên men enzym có lợi cho đường ruột, tăng kháng thể, diệt khuẩn… chưa được quan tâm. Có lẽ vì vậy, sản phẩm dầu dừa Enzym - nhãn hiệu Kokofi - đã chạm thị hiếu khách hàng", Ths Lâm Mộng Thúy, người sáng lập Công ty Phương Huỳnh (Kokofi), nói.

Cũng có người hỏi: Cùng có sản phẩm tương đồng thì làm thế nào Việt Nam ta có thể cạnh tranh với Thái Lan? Theo ông Huy, Thái Lan thực sự xuất sắc trong chế biến, biết cách làm cho nguyên liệu rất bình thường thành hiện tượng so với nhóm thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á, có lợi thế công nghiệp chế biến rất mạnh, nhưng nguyên liệu đầu vào của họ chưa chắc xuất sắc hơn Việt Nam. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải biết lợi thế, áp dụng công nghệ chế biến hiện đại để biến lợi thế thành sức mạnh cạnh tranh; nắm bắt xu hướng biến những bài thuốc Nam trở thành những câu chuyện sản phẩm có sức lan tỏa. Lần này, Thaifex có 8 xu hướng và thị hiếu về thực phẩm nổi bật.

Góc nhìn từ xu hướng bao bì

Xu hướng thiết kế bao bì cũng có nhiều thay đổi, ông Trần Nam, Giám đốc sáng tạo Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên (FYE), chia sẻ: Lần này tại Thaifex, xu hướng nổi bật là nhãn sạch (Clean label); xu hướng tự nhiên, vui vẻ và tươi sáng; xu hướng sáng tạo trong hình dạng và vật liệu và xu hướng ứng dụng tương tác trên bao bì - QR Code.

Sau đại dịch, xu hướng sử dụng hình ảnh, từ ngữ, màu sắc được chú ý để bao bì có thể truyền đạt thông điệp tốt nhất về chất lượng, tính độc đáo, thành phần tự nhiên hoặc bất kỳ giá trị nào mà thương hiệu muốn nhấn mạnh, theo ông Nam.

Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, người sáng lập Traqué Studio, chuyên gia phát triển bền vững, nhận xét: Các xu hướng nổi bật trong từng năm, Thaifex đều diễn đạt, biểu thị trên các phương tiện marketing, truyền thông, sản phẩm. Lần này cho thấy xu hướng thiết kế minimalism sử dụng các hình ảnh tối giản liên tưởng đến các thành phần chính". Dẫn báo cáo của World's Global Style Network (WGSN), bà Xuân Yến nói: Xu hướng chăm sóc sức khỏe có tính phòng ngừa hướng người ta ăn để không bị bệnh hoặc để bệnh thuyên giảm. Do đó, phải "show" yếu tố này ra bao bì. Đặc biệt, xu hướng sức khỏe của hệ tiêu hóa cần được quan tâm trong quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Sau đại dịch, cần có thêm những sản phẩm phù hợp nhu cầu cá nhân hóa và đó là cách doanh nghiệp đa dạng hóa cách tiếp cận thị trường.

"Nhiều khách quốc tế nói họ từng du lịch tại Việt Nam và muốn kết nối để tìm những sản phẩm tin dùng. Doanh nghiệp có sản phẩm nguồn gốc xuất xứ đặc biệt, ở vùng có sức thu hút du khách nên nhận ra những điểm chạm tới nhu cầu này", bà Xuân Yến chia sẻ.

Nhặt sạn trên đường đi

Theo ông Nguyễn Thành Huy, năm nay, Hội Doanh  nghiệp HVNCLC là đầu mối trực tiếp đứng ra kết nối doanh nghiệp với các đối tác rất tốt. Trung tâm BSA dành những buổi training, đào tạo cho doanh nhân có thêm kiến thức nền, thông tin tổng quan, thực tiễn được cập nhật có hệ thống; sau đó là buổi rút kinh nghiệm thực tiễn để chuyển hóa kiến thức và kinh nghiệm thành hành động "thực chiến' hữu hiệu. Cách thí điểm cách giao thương trực tiếp và toàn diện với tất cả các hệ thống bán lẻ, bán buôn đã giúp doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh thị trường tại quốc gia mà họ đang hướng tới.

Tại Thaifex, các doanh nghiệp rất chủ động, tự tin khi tương tác trực tiếp với đối tác, tìm hiểu thị trường, tích lũy thêm thông tin, giải đáp thắc mắc với tất cả đối tác là điểm mới so với các năm trước.

Tuy vậy, doanh nghiệp tham gia hội chợ còn nhiều điểm cần khắc phục để những sự kiện tới sẽ tốt hơn, ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, góp ý: "Phải chuyển từ phương thức trình bày sang phương thức trải nghiệm để chạm được thị hiếu của khách hàng. Những ý tưởng, câu chuyện, điểm mạnh của sản phẩm cần được thể hiện một cách đa dạng, cần sinh động hóa phương thức trình bày sản phẩm. Một điểm quan trọng khác, không chỉ là cách nghiên cứu và đánh giá thị trường, cơ hội cho sản phẩm mà là kiến thức nền khi giao thương, đa dạng hóa cách tiếp cận để phát triển thị trường. Doanh nghiệp kết nối chưa hiệu quả là do chưa có kiến thức nền, chưa có sự sẵn sàng để thế mạnh được phát huy. Do đó, nắm được xu hướng là thế mạnh nhưng cần tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để không chỉ bán được sản phẩm và còn phải in hình ảnh thương hiệu trong tâm trí người mua hàng".

Nguồn: https://baocantho.com.vn/bat-ngo-tu-thaifex-anuga-asia-2023-a161250.html
  • :
  • :