Nhằm góp phần bảo đảm chất lượng, ATTP sản phẩm NLTS, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức ATTP trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Năm 2024 các đơn vị trong ngành Nông nghiệp đã tổ chức 13 lớp tập huấn về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh NLTS; 4 hội nghị, hội thảo kết nối giao thương cung cầu, phổ biến pháp luật về ATTP; đăng tải 160 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như nâng cao sự hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm NLTS.
Cùng với hoạt động tuyên truyền, hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP NLTS được chú trọng. Năm 2024, sở đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại 366 lượt cơ sở SXKD NLTS; trong đó có 143 cơ sở sản xuất, chế biến, 223 cơ sở kinh doanh. Kết quả, không phát hiện vi phạm về ATTP tại các cơ sở SXKD NLTS. Công tác giám sát chất lượng ATTP NLTS được triển khai thường xuyên, kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản… Năm 2024 đã lấy 160 mẫu phân tích dư lượng các chất độc hại, kết quả không phát hiện mẫu nhiễm chỉ tiêu được chỉ định phân tích, đây là kết quả tích cực nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng tập trung xây dựng tổ chức sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng các quy trình quản lý, sản xuất tiên tiến. Hiện, toàn tỉnh có 2 cơ sở được cấp chứng nhận hữu cơ, 20 cơ sở được cấp mã số vùng trồng, 93 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP (trong đó, 74 cơ sở trồng trọt, 13 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở nuôi trồng thủy sản). Việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật trong SXKD NLTS thực phẩm đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Hiện, toàn tỉnh có 13 điểm kinh doanh được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 69 cơ sở được chứng nhận VietGAP và 128 cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm thực hiện công bố chất lượng cho 311 sản phẩm sản xuất trên địa bàn. |
Ông Võ Trung Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp sạch Hưng Loan, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) cho biết, HTX đã sử dụng 4ha để trồng cây ăn quả và rau màu các loại; trong đó có 3 nhà lưới với diện tích hơn 3.000m2 dùng để trồng dưa lưới, các loại rau, hoa theo chuẩn VietGAP. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng và tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng ATTP, HTX luôn thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, ghi chép sổ theo dõi từ quy trình sản xuất đến thu hoạch rau, củ. Hàng năm, các đơn vị chức năng đều đến lấy mẫu kiểm tra, giám sát. Qua kết quả đánh giá, sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Cùng với công tác kiểm tra, năm 2024, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn và kiểm tra, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 647 cơ sở, đưa tổng số cơ sở SXKD đủ điều kiện ATTP toàn tỉnh lên 1.264 cơ sở. Nhiều cơ sở SXKD đã đầu tư về cơ sở vật chất, áp dụng quy trình, chương trình như VietGAP, HACCP, ISO…; nhiều sản phẩm NLTS có chất lượng, bảo đảm an toàn được gắn tem truy xuất nguồn gốc bày bán tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trong cả nước và hướng đến xuất khẩu.