Agribank đồng hành cùng mô hình nuôi cá sấu ở An Minh 

An Minh là 1 trong 4 huyện thuộc vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi quen thuộc, gần đây một số nông hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá sấu. Anh Tôn Văn Sồi ở xã Ðông Hòa (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) là một trong những nông hộ thành công với mô hình này nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank.

 

Cán bộ Agribank Chi nhánh An Minh - Kiên Giang II tham quan trang trại cá sấu của anh Sồi.

Bén duyên với nghề

Bén duyên với nghề nuôi cá sấu từ năm 2015, trang trại cá sấu của anh Sồi không ngừng phát triển và đến nay, tổng đàn cá sấu của gia đình anh đã lên đến 6.000 con. Anh Sồi chia sẻ: Trước đây tôi làm nghề bán cá mồi cho các trang trại nuôi cá sấu trong khu vực ÐBSCL và một vài trang trại ở Campuchia. Thấy nghề nuôi cá sấu độc lạ, nên hay ngồi lại với chủ trại trao đổi thêm kinh nghiệm nuôi. Dần dà tôi thấy kỹ thuật nuôi cá sấu không quá khó, thổ nhưỡng vùng đất An Minh thích hợp với loại cá này nên năm 2017 tôi quyết định đầu tư xây trại nuôi cá sấu.

Năm 2017 anh Sồi đầu tư 40 triệu đồng xây 3 chuồng nuôi cá sấu, mỗi chuồng 50m2, nuôi tổng cộng 400 con. Sau 18 tháng, vụ cá sấu đầu tiên mỗi con khoảng 15kg, anh xuất bán với giá 125.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí anh thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Sau thành công bước đầu, giữa cuối năm 2018 anh Sồi quyết định tăng đàn lên 1.200 con, xây thêm 6 chuồng. Tiếp tục vụ thứ 2, sau 18 tháng anh bán cá loại size 15kg, giá 115.000 đồng/kg. Ðợt này anh lời hơn 300 triệu đồng. Ðợt xuất bán vào năm 2019, gia đình anh bán được 3.000 con cá sấu. Sau khi trừ hết chi phí, còn lời hơn 700 triệu đồng.

Theo anh Sồi, kỹ thuật nuôi cá sấu không khó, chỉ cần cho ăn, thay nước định kỳ, cá lớn đến lứa là xuất bán. Với cá sấu cứ 2-3 ngày cho ăn 1 lần, khi cá trưởng thành, người nuôi có thể duy trì cho ăn định kỳ nửa tháng hoặc 1 tháng/lần. Trung bình khoảng 2 tháng thay nước 1 lần, vào mùa nắng 1 tháng thay nước 1 lần. Thức ăn cho cá sấu chủ yếu là cá rô phi hoặc cá biển. Ðể giảm chi phí thức ăn, anh Sồi mở xưởng gia công cắt đầu cá, lấy phần thân cá bán cho các chợ, còn phụ phẩm từ đầu cá (phần lớn là cá biển) anh phụ thêm vào làm thức ăn nuôi cá sấu. Nhờ sử dụng phần phụ phẩm từ đầu cá làm thức ăn giúp anh Sồi giảm được khoảng 30% chi phí thức ăn…

Theo nhiều nông hộ gắn bó với nghề nuôi cá sấu ở huyện An Minh, trên cùng diện tích ao chuồng chăn nuôi, ít có mô hình nào cho lãi nhiều như nuôi cá sấu. Tuy nhiên, muốn thành công, đòi hỏi người nuôi phải am hiểu về tập tính sống, khả năng tăng trưởng và một số đặc tính quan trọng khác của cá. Hiện nay, da cá sấu được dùng nhiều trong việc sản xuất túi xách, ví, dây nịt, va li, giày dép... nên luôn có đầu ra ổn định. Hiếm khi người nuôi cá sấu gặp phải tình trạng dội hàng, rớt giá. Ngoài yếu tố chịu khó, nhẫn nại bám nghề, vốn đầu tư cho trang trại nuôi rất quan trọng. Vì một chu kỳ nuôi cá sấu khá dài, đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn mạnh. Thấu hiểu điều này, thời gian qua Agribank luôn đồng hành tiếp sức về vốn, giúp bà con an tâm lao động sản xuất. Ðây chính là yếu tố quyết định thành công của mô hình.

Ðồng hành của Agribank

Ðể có được trang trại nuôi cá sấu quy mô 6.000 con lớn nhỏ như hiện nay, ít ai biết rằng anh Sồi trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Song nhờ có sự đồng hành của Agribank anh đã mạnh dạn đầu tư và vượt qua khó khăn, thu được lợi nhuận cao từ nghề nuôi cá sấu. Năm 2018, anh Sồi vay 500 triệu đồng từ Agribank chi nhánh huyện An Minh để mua thức ăn và chuẩn bị cho việc mở rộng trại, tăng đàn. Ðến năm 2020, 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát, đầu ra cá sấu vô cùng khó khăn, cá đến lứa bán ra không được, thương lái ép giá… Nhờ được Agribank tăng hạn mức vay vốn để mua thức ăn cho cá nên anh duy trì được trang trại, không phải bán lỗ. Trong giai đoạn khó khăn này, anh còn được Agribank gia hạn nợ, giãn kỳ hạn trả nợ và điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank. Trong 2 năm đại dịch COVID-19, với khoảng tiền vay của mình anh Sồi được giảm lãi suất khoảng 60 triệu đồng. Sau dịch bệnh, anh Sồi được Agribank nâng hạn mức vay lên 3 tỉ đồng để tăng đàn và thúc cá lớn đều đợi bán được giá. Hiện nay, với đàn cá sấu 6.000 con các loại size, anh có thể xuất bán size 30-35kg/con giá 68.000 đồng/kg; cá size 11-20kg giá 87.000 đồng/kg; cá dưới 11kg/con có giá 800.000 đồng/con.

Theo thống kê của Agribank Chi nhánh An Minh - Kiên Giang II, đến nay tổng dư nợ của Chi nhánh đạt trên 1.400 tỉ đồng (với khoảng 6.000 khách hàng); tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn của đơn vị hiện chiếm trên 99% tổng dư nợ.

"Lúc chuẩn bị lập trại nuôi cá sấu tôi đã đến Agribank tìm hiểu, khi biết chắc số tiền mình sẽ được vay, tôi mới mạnh dạn đầu tư nuôi cá sấu. Nếu không vay được tiền của ngân hàng tôi sẽ không dám đầu tư nuôi, vì vay tiền bên ngoài lãi suất rất cao, nuôi sẽ không có lời. Ðặc biệt lúc đại dịch COVID-19, Agribank không chỉ gia hạn nợ, giảm lãi suất mà còn cấp nâng hạn mức vay để tôi có nguồn tiền mua thức ăn duy trì đàn cá, không phải bán lỗ, nên đợt cá này tôi mới có đủ tiền trả nợ và có lời" - anh Sồi chia sẻ. Anh Sồi cũng cho biết, sau đợt cá sấu này anh sẽ trả nợ khoản vay cũ, tiếp tục vay nguồn vốn mới tái đàn và mở xưởng gia công sản phẩm từ cá sấu. Ðồng thời mở rộng diện tích nuôi cá thát thát ao lắng để lọc nước, vệ sinh môi trường và tăng thu nhập.

Thành công của mô hình nuôi cá sấu, không chỉ giúp nhiều nông hộ vươn lên khá giả, mà còn góp phần làm phong phú thêm cho lời giải bài toán phát triển kinh tế của huyện An Minh. Sự đồng hành của Agribank có ý nghĩa rất quan trọng - tiếp thêm nguồn lực để địa phương nhanh chóng thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra.

Bài, ảnh: MINH KHƯƠNG

Nguồn: https://baocantho.com.vn/agribank-dong-hanh-cung-mo-hinh-nuoi-ca-sau-o-an-minh-a165244.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :