Ở khía cạnh nào đó, chuẩn của Việt Nam thấp hơn chuẩn của nhiều nước phát triển. Những nước đòi hỏi chất lượng cao mà chúng ta thường nghe nói đến là “thị trường khó tính”.
Chuẩn của Việt Nam chúng ta khó sánh bằng các quốc gia khác. Những sản phẩm này chiếm tỷ lệ rất ít trong tổng sản phẩm nông nghiệp. Nói cách khác, ai muốn sản phẩm của mình được chứng nhận VietGAP thì phải làm thủ tục để ngành chức năng xem xét các tiêu chí, cấp giấy chứng nhận. Có chứng nhận rồi thì sản phẩm có nhiều lợi thế, chẳng hạn như có thể được các siêu thị cao cấp nhập hàng.
Ai không muốn thì sản xuất rau bình thường theo lối truyền thống, thu hoạch xong bán ở các chợ, trong làng trong xóm, cho các thương lái. Sản xuất là chuyện của nông dân, được mất nông dân chịu. Người tiêu dùng ai thích thì mua, không thích thì thôi, an toàn hay không an toàn còn nhiều lý do!
Chuẩn an toàn, hiểu theo nghĩa thực hành nông nghiệp tốt của chúng ta đã thấp. Đòi hỏi của người tiêu dùng cũng không cao. Điểm “gặp gỡ” này làm cho các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP khó phát triển cũng là điều dễ hiểu. Một ví dụ. Từ năm 2015, vùng rau an toàn ở xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) được chứng nhận VietGAP. Tức là chuẩn về các điều kiện trồng trọt cao hơn đối với việc trồng rau bình thường. Nhưng đến khi bán thì có "GAP" hay không "GAP" cũng như nhau, đều qua thương lái. Không hiểu đến hiện nay tình hình như thế nào?
Vừa rồi, những thông tin về rau an toàn “dỏm” đội lốt VietGAP được bán ở các siêu thị cho chúng ta thấy một vấn đề khó khăn nữa của việc thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam chúng ta, đó là: sản xuất theo chuẩn VietGAP đã khó; đòi hỏi của phổ biến người tiêu dùng cũng không cao; giờ lại thêm những khó khăn trong quản lý chất lượng đến tay người tiêu dùng (đối với xuất khẩu thì chắc dễ hơn vì sự kiểm tra rất khắt khe của thị trường nhập khẩu).
Theo những thông tin mà người viết tìm hiểu thì những năm gần đây, các cơ sở sản xuất được chứng nhận VietGAP tăng nhanh. Điều này chứng tỏ, nhận thức về sản xuất an toàn đã có nhiều thay đổi. Điều kiện thúc đẩy cho sự chuyển biến nhận thức của nhà sản xuất chính là đòi hỏi cao hơn của người tiêu dùng. Bên cạnh đó là những đòi hỏi nâng cao về trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN & PTNT) đến giữa năm 2022, cả nước có hơn 463.000 hecta cây trồng được chứng nhận VietGAP, mức tăng rất cao so với năm 2015, chỉ chừng vài ngàn hecta.
Tăng cao thì tốt chứ sao lại băn khoăn lo lắng? Vì nó đặt ra những áp lực trong công tác quản lý chất lượng từ vùng trồng đến tiêu thụ. Công tác quản lý không theo kịp với sự phát triển, đó là chưa nói đến chuyện có hay không việc “buông lỏng” trong quản lý, ở nơi này hoặc nơi kia, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Ví dụ, muốn mở một nhà hàng, phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nhà hàng nào cũng được cấp giấy chứng nhận này. Nhưng còn kiểm tra thường xuyên để biết nhà hàng đó có buôn bán sản phẩm an toàn không thì là chuyện khác!
Công tác quản lý của chúng ta thiếu chặt chẽ ở nhiều lĩnh vực là chuyện không phải không dễ nhận biết. Và cũng khó ai biết ngành chức năng có làm hết trách nhiệm quản lý của mình. Chỉ khi, một vài vụ việc bị “lộ tẩy” như ngộ độc thực phẩm hoặc như vụ rau “đội lốt” VietGAP được bán trong các siêu thị vừa bị phát hiện.
Thế đấy, nó khó từ khâu quản lý chất lượng từ nơi trồng đến cả nơi tiêu thụ.
Nguyên Lê