Ðể sản xuất thắng lợi lúa vụ thu đông 

Sản xuất lúa vụ thu đông thường phải đối mặt với nhiều bất lợi do sâu bệnh và mưa lũ. Do vậy, nông dân cần hết sức cảnh giác thực hiện tốt theo các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp

Nông dân ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ đi thăm đồng, kiểm tra tình hình phát triển của lúa thu đông.

Tích cực sản xuất lúa thu đông

Thu đông cũng chính là vụ lúa thứ 3 trong năm nên nhiều người gọi là lúa vụ 3. Giá lúa liên tục duy trì ở mức cao trong vụ lúa đông xuân 2022-2023 và hè thu 2023 giúp nông dân sản xuất lúa có lời nên đã kích thích nông dân sản xuất lúa thu đông 2023. Ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân TP Cần Thơ đã khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và làm đất để bắt tay ngay vào sản xuất lúa vụ thu đông.

Ông Lê Văn Sáu ngụ ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Tôi và nhiều hộ dân đã gieo sạ lúa thu đông. Vụ này, 7 công ruộng của tôi sạ giống OM 545, lúa đã được 16 ngày tuổi và đang phát rất tốt. Liên tục từ đầu năm 2023 đến nay, giá lúa luôn duy trì ở mức cao so cùng kỳ và dễ tiêu thụ nên nông dân phấn khởi bắt tay vào sản xuất lúa thu đông, với hy vọng có thể kiếm được lời như 2 vụ lúa vừa qua. Ở địa phương có hệ thống bờ bao vững chắc đảm bảo ngăn lũ và bà con cũng tranh thủ xuống giống sớm nên không lo bị ảnh hưởng bởi nước lũ". Ông Nguyễn Văn Mến ngụ ấp Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Năm nay, lúa bán được giá nên nông dân rất tích cực sản xuất lúa vụ thu đông. Tuy nhiên, vụ lúa này rơi vào các tháng mùa mưa lũ, sản xuất bất lợi, do vậy nông dân phải chủ động xuống giống sớm tránh lũ và thực hiện các giải pháp giảm chi phí và giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít bị đổ ngã. Ðể cây lúa phát triển khỏe mạnh, tôi không chỉ chú ý thực hiện vệ sinh đồng ruộng và làm đất thật kỹ mà còn chọn giống tốt và mua giống cấp xác nhận. Ðồng thời, chú ý bón phân hợp lý để giảm chi phí. Vụ này, 6 công lúa của tôi sạ giống OM 5451 và hiện lúa đã được 8 ngày tuổi". Theo ông Lê Hồng Út Nhỏ ngụ ấp Ðịnh Yên, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, dù 15 công lúa vụ hè thu 2023 chưa thu hoạch nhưng hiện gia đình ông cũng đã chủ động tìm mua giống lúa OM 5451 cấp xác nhận để sẵn sàng bắt tay vào vụ sản xuất thu đông, năm nay dự báo có thuận lợi nhờ lũ ở mức thấp so với mọi năm và tại địa phương cũng đã có hệ thống thủy lợi khá tốt, chủ động nước tưới tiêu.

Hỗ trợ cho nông dân

Ðến ngày 14-6, nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống được 21.864 ha lúa thu đông 2023, đạt 36% so với kế hoạch. Các trà lúa thu đông chủ yếu mới sạ và ở giai đoạn mạ, nhìn chung lúa đang sinh trưởng và phát triển khá tốt. Riêng lúa vụ hè thu 2023 đã thu hoạch được 38.584/72.956ha. Nông dân tại nhiều quận, huyện đang tiếp tục thu hoạch các diện tích lúa vụ hè thu 2023 còn lại và tiến hành thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất và các công tác chuẩn bị để tiếp tục xuống giống thêm các diện tích lúa thu đông.

Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt các trà lúa thu đông mới gieo sạ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm hướng dẫn, khuyến cáo nông dân thăm đồng thường xuyên. Chú ý theo dõi chặt chẽ tình hình rầy nâu di trú ngoài đồng và các loại dịch hại để có biện pháp phòng trị kịp thời và bón lót phân lân ngay từ đầu vụ để hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Bên cạnh đó, để thu hoạch tốt các diện tích lúa vụ hè thu còn lại trong điều kiện thời tiết nhiều mưa, cần chủ động liên hệ các phương tiện gặt đập và thương lái để kịp tiến độ thu hoạch, hạn chế thất thoát.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để sản xuất thắng lợi vụ lúa thu đông, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân sau khi thu hoạch lúa hè thu cần quan tâm thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng. Ðặc biệt, vệ sinh xung quanh bờ ruộng để phòng tránh chuột và thực hiện thu gom ốc bươu vàng và  thu gom rơm và xử lý rơm rạ để tránh lúa sau sạ bị ngộ độc hữu cơ. Ðồng thời, chú ý khâu làm đất thật kỹ, san phẳng mặt ruộng, kết hợp đánh rảnh thông thoáng mặt ruộng để đảm bảo tiêu thoát nước và xuống giống theo lịch thời vụ được ngành chức năng khuyến cáo. Sử dụng giống đạt chuẩn từ cấp xác nhận trở lên để nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa…

Ngay từ khá sớm, Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc sở và các quận, huyện khuyến cáo, hướng dẫn nông dân  làm đất kỹ và xử lý tốt rơm rạ để tránh hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cũng như đảm bảo thời gian giãn vụ tối thiểu 3 tuần nhằm "cắt đứt" các mầm sâu bệnh. Ðồng thời, căn cứ diễn biến rầy nâu vào đèn tại thành phố và các tỉnh trong vùng, kết hợp với chế độ thủy văn để xây dựng lịch thời vụ xuống giống vụ lúa thu đông 2023 đảm bảo tốt "né rầy", hạn chế chi phí bơm tưới đầu vụ và tránh lũ cuối vụ. Các địa phương bố trí mùa vụ trên cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp "xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hạn đầu vụ", chỉ đạo không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen.

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa thu đông 2023 của thành phố gồm đợt 1 từ ngày 10-6 đến 17-6-2023 (nhằm 23-4 đến 30-4 âm lịch) và đợt 2 trước ngày 4-7 đến 11-7-2023 (nhằm ngày 17-5 đến 24-5 âm lịch). Tuy nhiên, lịch thời vụ này chỉ mang tính tham khảo, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ rầy nâu tại chỗ và tình hình rầy di trú kết hợp với chế độ thủy văn, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho địa phương.  Khi bố trí thời vụ phải tuân thủ nguyên tắc chung là "gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng", thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần.

Nguồn: https://baocantho.com.vn/-e-san-xuat-thang-loi-lua-vu-thu-dong-a161101.html
  • :
  • :