Ðể nông sản "xuất ngoại" - người trồng mang tính quyết định

Theo ngành chức năng, các điều kiện về xuất khẩu nông sản vào các thị trường quốc tế không phải là quá khó. Các điều kiện xuất khẩu cũng đã được Bộ NN-PTNT quy định tại Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774/2020/BVTV, nhưng nó cũng đòi hỏi tinh thần tự giác từ phía người sản xuất mới hiệu quả.

Trước hết nói về yêu cầu vùng trồng. Để sản phẩm được xuất khẩu, vùng trồng chủ yếu có một loại cây trồng, diện tích tối thiểu 10 ha. Vùng trồng phải áp dụng kỹ thuật sản xuất đồng đều...

Thực tế, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hộ, nhóm hộ đã tham gia vào HTX, tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích... để sản xuất cùng một loại cây trồng. Vì thế, nhiều nơi đã hình thành được các vùng trồng có quy mô, có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành chức năng, diện tích trồng tập trung có áp dụng đồng đều kỹ thuật canh tác vẫn chưa nhiều. Do đó, hạn chế này cần được quan tâm, khắc phục.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Tâm Hồng Phúc (Tuy Đức) hiện có 20 ha sầu riêng, 20 ha chanh dây. Theo ông Vũ Đình Hạnh, Giám đốc  HTX, để có diện tích tập trung, liền vùng, liền thửa, đồng nhất về giống, kỹ thuật canh tác, chăm sóc… đòi hỏi tinh thần tự nguyện, sự đồng lòng cao của các thành viên.

Đắk Nông hiện có 1.000 ha chanh dây

Các thành viên sản xuất cần quản lý sinh vật gây hại theo quy định trong yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trong trường hợp vùng trồng phát hiện sinh vật gây hại, các thành viên phải có biện pháp quản lý, xử lý đồng bộ.

Về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nước nhập khẩu luôn yêu cầu chỉ được sử dụng các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Các sản phẩm bảo đảm không có các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Để đáp ứng yêu cầu này, nhà nông phải sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sản phẩm phải đủ thời gian cách ly để bảo đảm dư lượng thuốc BVTV không vượt ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Vui, thôn 2, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp), gia đình bà đã trồng chanh dây nhiều năm nay. Việc trồng chanh dây hằng năm đều phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Để bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, bà đều sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV trong danh mục cho phép của Bộ NN-PTNT. Bà chỉ dùng hóa chất khi thật sự cần thiết, không dùng một cách tràn lan. Đặc biệt, bà luôn bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch sản phẩm.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách là yêu cầu của nhà nhập khẩu sầu riêng

Nước nhập khẩu cũng có yêu cầu ghi chép thông tin về quá trình canh tác. Các nhà vườn phải có nhật ký canh tác, ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong mỗi vụ.

Trong đó, người sản xuất phải ghi chép đầy đủ thông tin về sinh vật gây hại; nhật ký bón phân, tổng lượng phân bón, phương pháp bón phân, sử dụng thuốc BVTV…

Theo Sở NN-PTNT, thực tiễn ở Đắk Nông, tỷ lệ bà con có thói quen về sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều . Do đó, đòi hỏi nhà nông phải nêu cao tinh thần chủ động, tự nguyện tiến hành các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, cơ hội cho nông sản xuất khẩu, nhất là vào thị trường Trung Quốc, đang rất lớn. Bởi thị trường này có hơn 1,4 tỷ dân.

Thế nhưng, muốn tranh thủ được điều này, bên cạnh sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả của cơ quan chức năng thì sự chủ động, tự giác trong sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ phía người sản xuất có ý nghĩa lớn.

 

Tỉnh Ðắk Nông đã triển khai thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đề nghị Bộ NN-PTNT cấp mã cho 7 cơ sở sản xuất và vùng trồng với 130 ha các loại. Trong đó, có 4 mã vùng trồng sầu riêng, 1 mã vùng trồng chanh dây, 1 mã vùng trồng bưởi da xanh, 1 mã vùng trồng măng cụt; 1 mã cơ sở đóng gói sản phẩm sầu riêng.

 

Hồng Thoan

104
Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/ðe-nong-san-xuat-ngoai-nguoi-trong-mang-tinh-quyet-dinh-94206.html
  • :
  • :