Đảm bảo thực hiện đủ các tiêu chí
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới có hai tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục, gồm: Tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo. Đối với xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tiêu chí giáo dục được quy định với các nội dung cụ thể như 100% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ I và có ít nhất 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ; cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá xếp loại khá…
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí giáo dục trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu UBND huyện, thị xã ban hành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo giai đoạn và hằng năm. Cùng với đó, các địa phương cũng thực hiện công tác quy hoạch và tổ chức sắp xếp, tinh gọn mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hoàng Trọng Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm trao chứng nhận công trình cấp TP cho Trường THCS Trâu Quỳ |
Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng đã tích cực tham mưu UBND huyện, thị xã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn theo tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học.
Tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm đã đạt được những thành tựu cơ bản trong việc phát triển quy mô, mở rộng mạng lưới, hình thành hệ thống trường, lớp ở các cấp học, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trong huyện và phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã, thị trấn; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm chỉ đạo tích cực, hiệu quả.
Đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 83 trường công lập từ cấp mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đặc biệt, huyện đã phấn đấu xây dựng được 79 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 28 trường đạt mức độ 2, 51 trường đạt mức độ 1.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà và lãnh đạo huyện Gia Lâm gắn biển công trình cấp thành phố Trường THPT Dương Xá |
Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm cho biết: Trong năm 2024, theo kế hoạch, Phòng sẽ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận mới thêm 2 trường, đến năm 2025 phấn đấu 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn huyện sẽ đạt trường chuẩn quốc gia.
Bên cạnh quan tâm đầu tư của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo Gia Lâm đã chỉ đạo các nhà trường tích cực chuẩn bị cho công tác Kiểm định chất lượng và Chuẩn quốc gia. Các trường từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp và cải tạo, sửa chữa, trang trí khung cảnh sư phạm “sáng, xanh, sạch, đẹp”.
Là một trong những trường chuẩn quốc gia tại huyện Gia Lâm, ông Phùng Đắc Nam, Phó Hiệu trưởng trường THCS Thị trấn Trâu Quỳ cho biết: Để đạt tiêu chuẩn của các phòng học xây dựng đúng theo tiêu chuẩn của thông tư mới, nhà trường đã được xây dựng hệ thống phòng học và 12 phòng chức năng hiện đại và đúng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học theo chuẩn Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu |
“Hiện tại, cơ sở vật chất đã được nhà trường trang bị hệ thống hiện đại, màn hình chiếu 75inh ở tất cả các phòng học. Trường đầu tư 100% tất cả các phòng học và cả phòng chức năng là máy chiếu đa vật thể. Đường truyền mạng cũng được phủ sóng 100% tất cả các lớp, ngoài giờ học thì các bạn học sinh có thể vào máy tính, ti vi của lớp để chuẩn bị các nội dung cho tiết học sau. Thậm chí là kết nối giữa các phòng để các bạn học sinh tự xử lý theo nhóm. Nhờ đó, phong trào học sinh giỏi và nghiên cứu khoa học cũng dần được đẩy mạnh với nhiều kết quả nổi trội”, ông Nam chia sẻ.
Từng bước xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Cùng với huyện Gia Lâm, hiện nay, hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong số đó, huyện Đan Phượng luôn duy trì đơn vị đứng đầu thành phố Hà Nội về trường chuẩn quốc gia với tỷ lệ 98,2%, trong đó 71% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết: Năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 55 trường mầm non, tiểu học, THCS; 1.088 nhóm, lớp; 39.933 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 2.453 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm 92,7%.
Các cơ sở giáo dục đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch xây dựng Nông thôn mới của địa phương |
Đáng chú ý, Đan Phượng duy trì đơn vị đứng đầu thành phố về trường chuẩn quốc gia với tỷ lệ 98,2%, trong đó 71% đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Kết thúc năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đánh giá 11/13 tiêu chí xuất sắc, 2/13 tiêu chí đạt tốt.
Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục huyện Đan Phượng tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp; tham mưu đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, đầu tư trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có thể thấy, thời gian qua, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” tiến tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu sớm đưa Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới sớm trước một năm so với kế hoạch đề ra.
Chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. |
Do đó, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các phong trào thi đua nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và người dân về công tác xây dựng Nông thôn mới với các tiêu chí thuộc ngành giáo dục và đào tạo; xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng Nông thôn mới trong ngành giáo dục và đào tạo.
Theo đó, các trường học trên địa bàn các xã, thị trấn đã đưa vào chương trình công tác hàng năm các nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới do trường phụ trách. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch xây dựng Nông thôn mới của huyện, thị xã.
Đồng thời, các địa phương cũng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, thành phố, huyện, các tổ chức phi chính phủ, huy động kinh phí từ Nhân dân, tổ chức kinh tế xã hội để tăng nguồn lực xây dựng trường học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng môi trường lành mạnh để quản lý, chăm sóc, giáo dục và đào tạo học sinh.
Các địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các nguồn lực để tăng nguồn lực xây dựng trường học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia |
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, hằng năm, các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng quan tâm sắp xếp, quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên cho các trường.
Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên các nhà trường được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông mới; phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh; tổ chức thực hiện giáo dục STEM/STEAM... Nhờ vậy, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Trang thông tin có sự phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |