• :
  • :

Vì sao gần 100% người dân hài lòng với kết quả xây dựng Nông thôn mới?

(19/08/2024)

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng về xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho thấy, gần 100% người dân vui mừng với những kết quả đạt được trong quá trình vươn lên của huyện nhà.

Lá cờ đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu

Là vùng đất anh hùng trong chiến đấu, song, huyện Đan Phượng thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, bình quân các xã chỉ đạt 10/19 tiêu chí.

Thời điểm 2010, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp chưa được đầu tư. Sản xuất chưa phát triển, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp còn cao; việc đầu tư công nghệ vào sản xuất và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Đời sống của Nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 13,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 11,2%; môi trường chưa đảm bảo.

Vì sao gần 100% người dân Đan Phượng hài lòng với kết quả xây dựng NTM?
Tượng đài phụ nữ "Ba đảm đang" tại huyện Đan Phượng.

Tuy vậy, với cách làm sáng tạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngày 23/10/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1810/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện NTM.

Sau khi được công nhận huyện NTM, huyện Đan Phượng xác định mục tiêu xây dựng Chương trình NTM sẽ không có điểm dừng.

Chính vì vậy, từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, thành phố về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các xã đạt chuẩn duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân với chủ trương “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”.

Vì sao gần 100% người dân Đan Phượng hài lòng với kết quả xây dựng NTM?
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà - Đan Phượng

Kết quả, cuối năm 2023, 12/15 xã của huyện Đan Phượng đạt NTM kiểu mẫu gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Nhiều địa bàn như: Xã Đan Phượng, Liên Hà, Thượng Mỗ… đều đạt từ ba tiêu chí NTM kiểu mẫu trở lên…

Nhiều xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao như: Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng/người/năm, Tân Lập 82 triệu đồng/người/năm, Đồng Tháp 76,3 triệu đồng/người/năm…

Cuối tháng 5 vừa qua, 3 xã cuối cùng của huyện Đan Phượng là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An tổ chức đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Với kết quả này, Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội có 100% số xã (15/15 xã) hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu.

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025; không có nợ đọng xây dựng cơ bản; không có tiêu chí bị điểm 0. Toàn huyện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 78 triệu đồng/người/năm...

Đồng chí Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội cho biết, với rất nhiều cách làm sáng tạo, Đan Phượng luôn giữ vị trí dẫn đầu thành phố Hà Nội trong phong trào xây dựng NTM.

Lấy người dân là trung tâm

Có rất nhiều ý kiến, bài học về sự trỗi dậy mạnh mẽ của huyện Đan Phượng trong xây dựng NTM. Trong đó, có thể kể tới sự lãnh đạo đúng đắn, quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế chính xác và sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.

Vì sao gần 100% người dân Đan Phượng hài lòng với kết quả xây dựng NTM?
Những tuyến đường xanh, sạch, đẹp là kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Đan Phượng.

Cụ thể, huyện Đan Phượng đã tập trung xây dựng Đề án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng trở thành Quận, được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 21/10/2019. Quyết định này được coi là cơ sở để huyện Đan Phượng triển khai đồng bộ giữa xây dựng NTM nâng cao và hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận, xã thành phường.

Giai đoạn này, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 22/12/2020 về xây dựng huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là xây dựng huyện Đan Phượng phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… theo các tiêu chí NTM kiểu mẫu; các tiêu chí phường và quận.

Một trong những bí quyết của Đan Phượng là lựa chọn hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn; xây dựng những mô hình điểm và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, tổng số diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên toàn huyện đạt 1.618,89 ha/3.600 ha trong đó có 140ha trồng rau, cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Các xã Phương Đình, Đan Phượng phát triển cây nho hạ đen; các xã Hồng Hà, Hạ Mỗ phát triển nghề làm đậu phụ; xã Trung Châu có thương hiệu lợn sạch… Hiện trên toàn huyện có tám nhãn hiệu nông sản tập thể được công nhận.

Vì sao gần 100% người dân Đan Phượng hài lòng với kết quả xây dựng NTM?
Đan Phượng là huyện anh hùng trong chiến đấu, đi đầu trong xây dựng NTM

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi an toàn, chuồng trại khép kín, thông gió trong chăn nuôi lợn; hệ thống làm mát tự động, máy ăn tự động, máy vắt sữa tự động trong chăn nuôi bò sữa; thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh…

Đặc biệt, với mục tiêu đặt người dân là trung tâm, được thụ hưởng thành quả trong xây dựng NTM, các chính sách của huyện Đan Phượng đều nhằm khuyến khích, hỗ trợ Nhân dân trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, đời sống.

Từ đó, các quyết sách của Đan Phượng trong xây dựng NTM đều nhận được sự tán thành, ủng hộ của đông đảo Nhân dân. Về mặt số liệu, kết quả lấy ý kiến tại 123 thôn của 15/15 xã với 33.375/44.499 (75%) tổng số hộ gia đình trên địa bàn huyện khá tích cực. Cụ thể, từ câu 1 đến câu 9, tỷ lệ hài lòng đạt từ 99,01% trở lên; câu 10 tỷ lệ hài lòng đạt 99,58%. Số ý kiến chưa hài lòng chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,25 - 0,99%.

“Qua lấy ý kiến, đại đa số Nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành hiệu quả của chính quyền từ huyện tới cơ sở và phấn khởi trước sự đổi mới toàn diện về giao thông đường làng, ngõ, xóm, giao thông nội đồng, trường, trạm, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng… Đặc biệt là sự đổi mới về phát triển kinh tế, đời sống tinh thần, mức sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh”, Chủ tịch UB MTTQ VN huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.

 

 
Link bài gốc Copy link