• :
  • :

Từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

(14/10/2022)

10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có gần 58 ngàn hộ hội viên, nông dân (HVND) đăng ký phấn đấu danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp năm 2022.

Tham quan sản phẩm từ cây Atiso

Vượt khó

Ông Lê Văn Dũng ở Chi hội thôn 8A, xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) chia sẻ, phong trào nông dân SXKDG chính là động lực lớn cho gia đình ông cũng như nhiều nông dân địa phương nỗ lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, khi chưa xây dựng mô hình kinh tế, ông Dũng phụ thợ nề thu nhập bấp bênh, vợ nội trợ, kinh tế gia đình hết sức khó khăn.

Tận dụng lợi thế đất đai sẵn có, hơn 6 năm nay, ông Dũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp nhằm phát huy lợi thế của địa phương và quyết tâm làm giàu chính đáng trên đất Thủy Phù. Qua quá trình làm ăn sinh sống, tích lũy số vốn, gia đình ông mua một thửa đất tại Khe Lời, thôn 8A để ở và được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, hỗ trợ một số gà giống đẻ, đưa vào chăn nuôi từ tháng 2/2014 đến nay. Ông Dũng còn đầu tư xây dựng thêm một mô hình lò ấp trứng gà với công suất 4.000 trứng/lứa, số gà giống được xuất bán tại địa bàn xã và một số vùng lận cận.

Qua hơn 5 năm, gia đình ông đầu tư mở rộng thêm mô hình trang trại với 2 lò ấp, số lượng 12 ngàn quả. Được sự hỗ trợ của các cấp hội nông dân (HND), ông Dũng được vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tự có đã đầu tư xây dựng thêm lò ấp trứng, mở rộng trang trại nuôi gà thịt, gà đẻ. Tổng số gà bố mẹ hiện có 3.000 con, gà thịt 10 ngàn con; số lượng con giống sản xuất bình quân từ 10-12 ngàn con. Nguồn thu nhập kinh tế chính của gia đình ông chủ yếu từ tiền bán con giống, gà thịt, tính bình quân mỗi tháng thu 30 - 40 triệu đồng.

Hộ bà Nguyễn Thị Thững ở xã Hồng Thượng (A Lưới) trước năm 2015 chủ yếu lao động, sản xuất tự phát, may lắm cũng chỉ đủ ăn. Từ sau năm 2015 đến nay, gia đình bà đầu tư phát triển sản xuất giống và trồng keo tràm lấy gỗ. Bà Thững chia sẻ, được sự hỗ trợ của HND địa phương cho vay vốn qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới, gia đình mở rộng mô hình chăn nuôi heo, dê, gia cầm và trồng rừng kinh tế. HND còn tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình chăn nuôi tiêu biểu trong huyện, tỉnh.

Tích lũy, nắm vững khoa học, kỹ thuật, gia đình bà Thững đầu tư nuôi dê từ hai con đến nay lên 30 con và chăn nuôi thêm 350 con gà, vịt, nuôi cá, trồng rừng kinh tế từ 5ha đến nay lên 17ha. Riêng trồng rừng keo đã có 7ha cho thu hoạch, thu nhập 500 triệu đồng, giúp có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất và đời sống gia đình. Mô hình kinh tế của bà Thững còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho 15-20 lao động ở địa phương. Hộ bà Thững còn giúp đỡ kinh phí, cây, con giống cho một số hộ phát triển kinh tế cùng vươn lên trong cuộc sống với trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Nhiều hỗ trợ tích cực

Phó Chủ tịch HND tỉnh, ông Trần Văn Lập đánh giá, phong trào nông dân SXKDG có ý nghĩa quan trọng với HVND trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tính riêng từ 10 tháng đầu năm nay, các cấp HND vận động 57.622 chủ hộ HVND đăng ký phấn đấu danh hiệu nông dân SXKDG các cấp năm 2022.

Để thúc đẩy phong trào nông dân SXKDG, từ đầu năm đến nay, HND tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn thành lập tổ hợp tác cho hàng trăm HVND; hỗ trợ thực hiện 16 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ cho nhiều HVND với tổng kinh phí hỗ trợ 553 triệu đồng. HND cấp huyện, xã phối hợp với ngành nông nghiệp các huyện, xã và HTX triển khai hỗ trợ cho HVND triển khai 22 mô hình kinh tế ở địa phương.

HND tỉnh phối hợp với các ban, ngành thành lập 12 câu lạc bộ “Nông dân SXKDG” cấp xã và cấp huyện; tham gia vận động, hướng dẫn thành lập mới 3 HTX nông nghiệp và 15 tổ hợp tác; thành lập một chi HND và 31 tổ HND nghề nghiệp. Việc thành lập các câu lạc bộ, các HTX, tổ hợp tác nhằm góp phần liên kết, hỗ trợ nhau trong SXKD, giúp HVND vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Các cấp HND phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho HVND. Cùng với các HTX trên địa bàn tỉnh tổ chức cung ứng hơn 1.000 tấn phân bón, hơn 8.270 tấn giống, 670 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 30 tấn thức ăn chăn nuôi với tổng trị giá hơn 22,5 tỷ đồng theo hình thức trả chậm, không tính lãi; đồng thời tập huấn chuyển giao kỹ thuật bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng SXKD.

Chín tháng đầu năm, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 14 dự án, với tổng số tiền là 4,05 tỷ đồng cho 126 hộ vay từ nguồn Trung ương ủy thác và nguồn của tỉnh. Tính đến nay, từ nguồn vốn quỹ này, toàn tỉnh giải ngân cho 121 dự án, với tổng số tiền hơn 32,253 tỷ đồng với 964 hộ vay. Các cấp HND tăng cường phối hợp với chi nhánh các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách về tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng dư nợ đến nay hơn 1.310 tỷ đồng cho gần 30 ngàn hộ vay.

Bài, ảnh: Triều Nga