• :
  • :

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

(19/11/2024)

Phát triển kinh tế tập thể ở tỉnh Quảng Ninh đã chuyển biến tích cực về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 878 hợp tác xã, tổ hợp tác và liên hiệp hợp tác xã. Trong đó, hợp tác xã thu hút khoảng 72.800 lao động thường xuyên; tổng số vốn hoạt động là trên 1.163 tỷ đồng; doanh thu bình quân một hợp tác xã là 650 triệu đồng/năm; lãi bình quân một hợp tác xã là 290 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân một thành viên, lao động hợp tác xã là 68 triệu đồng/năm.

Toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp hợp tác xã. Trong đó có 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 2 liên hiệp hợp tác xã phi nông nghiệp, tổng vốn đăng ký là 66,1 tỷ đồng. Dù mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng liên hiệp hợp tác xã đã chứng minh tính hiệu quả, vai trò dẵn dắt kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển theo hướng liên kết bền vững.

Tỉnh có 210 tổ hợp tác, doanh thu bình quân đạt 270 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, thu nhập bình quân 01 lao động đạt 3,3 triệu/tháng. Các tổ hợp tác thành lập xuất phát từ nhu cầu phát triển thực tế của người dân, hợp tác mang tính gia đình, linh hoạt, gọn nhẹ; đa dạng hình thức hoạt động rất phù hợp với người nông dân, lao động nghèo...

Sản xuất dưa trong nhà lưới tại HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Ảnh Hoa Phong
Sản xuất dưa trong nhà lưới tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong. Ảnh Hoa Phong

Trong những năm vừa qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp vai trò là một trong những kênh huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đóng góp tích cực vào hoàn thành mục tiêu quốc gia trong chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững; tham gia tích cực vào chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) của tỉnh.

Nhiều hợp tác xã đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế tập thể, từ đầu năm đến nay Hội Nông dân huyện Đầm Hà đã hỗ trợ, hướng dẫn phát triển mới 2 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nâng tổng số lên thành 14 hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội Nông dân huyện hướng dẫn. Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Hà La Trường Thọ cho biết, để khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập và phát triển, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng quản trị, quản lý, điều hành; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng xã hội cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.

Đặc biệt, Hội Nông dân huyện cũng duy trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện tốt việc ủy thác cho vay với tổng dư nợ ủy thác lên đến 102 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác có vốn để phát triển sản xuất.

Hoạt động phối hợp với các ngân hàng tạo vốn cho khu vực kinh tế tập thể cũng được triển khai tốt ở các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh. Tính đến tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng qua Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do hội nông dân đứng ra ủy thác là hơn 2.250 tỷ đồng, với 29.937 hộ vay.

Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp cũng phối hợp với các đơn vị tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh cho nông dân. Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, điều hành các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ; các hội thảo liên kết 6 nhà trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; tổ chức cho cán bộ, hội viên nông dân đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị liên kết
Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị liên kết "6 nhà" về sản xuất, tiêu thụ na Đông Triều. Ảnh: Cao Quỳnh

Ông Đỗ Ngọc Nam - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh - cho biết, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn theo chuỗi và tư vấn, hướng dẫn xây dựng tổ chức, bộ máy hoạt động, điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã cho 150 hội viên nông dân. Đồng thời, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, vật tư thiết yếu, cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… cho thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.

Ngoài ra, để giúp hội viên nông dân tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng, tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, từ năm 2020 đến nay các cấp hợp tác xã trong tỉnh đã tổ chức hơn 300 hội nghị tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội cho hơn 16.000 lượt người tham gia.

 
Tác giả: Chí Tâm