
|
Các hình thức sản xuất trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đam Rông đang dần được quan tâm |
Theo đồng chí Đa Cát K’Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông, trong 5 năm 2016 - 2020, vùng đồng bào DTTS huyện Đam Rông tiếp tục được đầu tư, hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia gồm Chương trình 30a, Chương trình 135 và Chương trình Nông thôn mới. Ngoài các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia, trên địa bàn huyện còn được quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, chính sách khác như chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654/UBND của UBND tỉnh đã thực hiện được 26 căn; chính sách hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí gần 5 tỷ đồng cho 11.000 lượt hộ nghèo được thụ hưởng; chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, người đồng bào DTTS theo Quyết định 52-QĐ/TW cho 1.200 lượt người dân; chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay đến nay đạt hơn 350 tỷ đồng cho gần 20.000 lượt hộ vay…
Từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đã tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội huyện Đam Rông nói chung và vùng đồng bào DTTS trên địa bàn nói riêng. Đời sống về vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao, an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững ổn định. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97%; sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95%; tỷ lệ hộ nghèo của huyện cuối năm 2021 giảm còn 5,45%...
Kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và bền vững hơn qua từng năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thời kỳ tăng khá, bình quân hàng năm đạt 12%. Các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ, thu ngân sách địa phương đều đạt và vượt kế hoạch. Trong sản xuất nông nghiệp đã khai thác, phát huy tối đa các lợi thế, thế mạnh của từng vùng, hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa có giá trị cao như cà phê, mác ca, cây ăn trái, trồng dâu nuôi tằm… Bên cạnh đó, các hình thức sản xuất trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp được quan tâm. Đồng thời, hạ tầng giao thông, đường giao thông thôn, liên thôn được kiên cố hóa; hệ thống trường, lớp được đầu tư phát triển, đến nay, toàn huyện có 26/36 trường đạt chuẩn quốc gia.
Về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, hiện toàn Đảng bộ huyện có 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Thời gian qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn cấp ủy ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng của tổ chức đảng thực sự là hạt nhân chính trị cơ sở. Đồng thời, xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, đáp ứng năng lực lãnh đạo, điều hành và phát huy hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ người đồng bào DTTS. Đến nay, toàn huyện có 302 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số 1.381 cán bộ, công chức, viên chức của huyện; hơn 11.600 đoàn viên, hội viên người đồng bào DTTS tham gia sinh hoạt trong các hội, đoàn thể từ huyện đến cơ sở; xây dựng được 347 cốt cán, trong đó cốt cán trong cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang 65 người (chiếm 18,73%), cốt cán là đồng bào DTTS (chiếm 81,27%).
Là địa bàn có đông tỷ lệ đồng bào các DTTS, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Đam Rông đã chú trọng, quan tâm đối với lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trong đó, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, tăng cường bám cơ sở, nắm địa bàn để tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận diện được âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã phát huy vai trò của người dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS.
“Để có được kết quả này là nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với vùng đồng bào DTTS cùng sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh. Bên cạnh đó là sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng năm và định hướng cho cả giai đoạn. Đặc biệt là ý thức tự vươn lên của người dân và vai trò trách nhiệm của cộng đồng đã được phát huy”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông Đa Cát K’Hương cho hay.