• :
  • :

“Khoan” sức dân, Tà Chải nâng cao NTM

(28/06/2022)

Về Cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi giữa vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, cuộc sống của bà con các dân tộc ngày càng khởi sắc.

Vẫn cánh rừng cũ, con suối xưa, nếp nhà sàn mộc mạc nhưng Tà Chải (còn gọi là Tả Chải) dường như được khoác áo mới đẹp đẽ, khang trang khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao.

Sức bật từ phong trào phát triển kinh tế

Tà Chải là xã nằm bao quanh thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà), có tổng diện tích tự nhiên 502,12ha, với 775 hộ (3.170  nhân khẩu), gồm 10 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Mông, Hoa, Dao... cùng chung sống ở 6 thôn bản.

c6185543644da713fe5c.jpg

Người dân Tà Chải tạo cảnh quan đường làng xanh, sạch, đẹp.

Về đích NTM từ năm 2014, Tà Chải có được nhiều lợi thế để XDNTM nâng cao. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thì cũng gặp không ít khó khăn. Ông Vàng Đình Vi, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc huy động nguồn lực cho xây dựng và duy trì các tiêu chí NTM. Vốn ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn  thấp so với yêu cầu; vốn huy động trong nhân dân rất hạn chế do thu nhập của người  dân còn thấp; vốn huy động từ các doanh nghiệp không nhiều. Nhất là những thời điểm sản xuất nông nghiệp khó khăn, hàng hóa nông sản khó tiêu thụ. Vì vậy, Ban chỉ đạo XDNTM xã xác định mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế”.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh qua các buổi giao ban xã, các cuộc họp Ban chỉ đạo  XDNTM xã, hội nghị tuyên vận, lồng ghép qua các buổi giao ban xã, buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, trong các hội nghị tiếp xúc cử tri và tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình.  Đặc biệt, qua các hoạt động giao lưu văn nghệ, các lễ hội: Lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3... và qua phương tiện thông tin đại chúng, trạm truyền thanh của xã, làm sao để phong trào phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cây - con giống mới vào sản xuất, phát triển cây - con đặc sản thế mạnh địa phương, tạo sản phẩm nông sản đặc trưng… Hướng đến trọng tâm phát triển du lịch cộng đồng.

Xã cũng khéo léo lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM.

Nhờ vậy, ngày càng nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả như: Chăn nuôi gia cầm bản địa tại thôn Na Pắc Ngam, quy mô trên 10.000 con/năm, doanh thu bình quân các hộ tham gia mô hình đạt khoảng 260 triệu đồng/năm; chăn nuôi lợn đen bản địa của Công ty TNHH Anh Nguyên tại thôn Na Kim, quy mô chuồng trại khép kín trên 5.000m2,  nuôi 1.500 con/năm, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm; trồng rau an toàn tại thôn Na Lo của Hợp tác xã rau quả sạch Bắc Hà, quy mô 5.578,3m2, doanh thu bình quân 650 triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân người lao động tham gia đạt trên 58 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Tà Chải  còn phát triển cây ăn quả ôn đới, tổng diện tích trồng toàn xã đạt 147,7ha, trong đó chủ yếu là mận Tam hoa (136,6ha), giá trị thu hoạch mận đạt trên 300 triệu đồng/ha. Đây là các mô hình có giá trị kinh tế cao; có một trong các hình thức liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu tư đầu vào, tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, thu hoạch sản phẩm; chu kỳ liên kết đảm bảo ổn định. Các mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động trong độ tuổi tại địa phương.

Sau 3 năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Tà Chải có 3 sản phẩm OCOP được công nhận: “Trứng gà đen Bắc Hà”, “Mận Tam Hoa sấy dẻo” và “Cốm Na Lo”, đây là các sản phẩm  mang đặc trưng địa phương, có chất lượng.

Trên địa bàn có 2 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gồm: Hợp tác xã Quang Tom chế biến và bảo quản rau quả, sản xuất chè, mứt mận Tam Hoa sấy dẻo..., giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng; Hợp tác xã rau quả sạch Bắc Hà tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh rau, quả có liên kết theo chuỗi đạt hiệu quả; giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất canh tác ở Tà Chải đạt 66,6 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã năm 2021 đạt 38,65 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,99%.

Quyết tâm “bứt phá”

Ổn định kinh tế, đời sống tinh thần của bà con các dân tộc trong xã Tà Chải  cũng được nâng cao. Từ năm 2017 đến nay, Tà Chải có 100% số thôn đạt danh hiệu văn hóa. 718hộ/755 hộ đạt gia đình văn hoá, chiếm 95,1%. Tất cả các thôn có câu lạc bộ văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút số lượng lớn người dân tham gia, đặc biệt xã và các thôn thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy hiệu quả  Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật The (múa xòe) của người Tày. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Các khu dân cư tập trung, khu vực công cộng của xã đã có kế hoạch và huy động nhân dân thực hiện vệ sinh định kỳ 2 lần/tháng; không có hiện tượng xả nước thải, chất thải rắn bừa bãi gây mất mỹ quan môi trường. 13,59km/13,59km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, đảm bảo không lầy lội về mùa mưa; trong đó, các tuyến trục xã và đường liên thôn được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, 5/6 thôn thực hiện trồng hoa tạo cảnh quan các tuyến đường của thôn. Tỷ lệ cây xanh trên đầu người vượt tiêu chuẩn quy định, bình quân trên 5 cây/người.

Đối với từng hộ gia đình, đã thực hiện biện pháp thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn; tham gia các hoạt động vệ sinh chung, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường đã quy định; nội thất trong nhà ở  được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ.

Đến nay, Tà Chải được biết đến với cảnh quan, không gian sống sáng - xanh - sạch - đẹp với nhiều bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh như: Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Tày, hội Xòe, núi Ba mẹ con, đặc sản mận Tam hoa, nhiều món ăn ẩm thực mang đậm bản sắc của dân tộc Tày, Nùng: thắng cố ngựa, xôi 7 màu, bánh dày, phở chua... Tà Chải đã và đang mở rộng làng du lịch cộng đồng ở các thôn Na Thá, Na Lo... với khoảng 20 cơ sở homestay nhà sàn truyền thống của người Tày giữa những vườn mận trĩu quả, chiếm gần 50% số homestay của toàn huyện Bắc Hà. Mỗi năm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn xã thu hút trên 2.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/homestay /hộ.

Ông Vàng Đình Vi cho biết thêm: “Tà Chải đã hoàn thành 18/18 tiêu chí NTM nâng cao. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang chờ đón ngày chính thức được đón bằng công nhận bằng tất cả niềm phấn khởi, tự hào”.

Tác giả: Nguyên Hoa