Hỏi: Lợn 15-20kg, bỏ ăn, bị liệt chân, mắt sưng, và chết dần.
Đã bị 1 tuần nay và có lây lan. Tôi đã dùng T5000, Coli. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục ?
Trả lời:
Trả lời:
Lợn nhà anh nhiều khả năng bị nhiễm E.coli phù đầu, bệnh do vi khuẩn E.coli dung huyết gây ra, khi có các nguyên nhân dẫn tới stress như:Tiêm chủng vaccine, vận chuyển mua bán heo con, sắp xếp lại đàn, thay đổi thức ăn đột ngột, biến động thời tiết làm cho heo con bị lạnh dẫn đến giảm nhu động ruột sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho E.coli gây bệnh.
Đây là bệnh cũng khó điều trị và khi đã có những triệu chứng điển hình tỷ lệ khỏi không cao. Anh nên cho lợn tập ăn sớm, tiêm vaccine phòng trên lợn nái trước khi sinh (3-5 tuần) hoặc lợn con 14 ngày tuổi, có thể dùng kháng thể để phòng.
Trong điều trị chủ yếu với những con cùng đàn thể chưa biểu hiện, kết hợp kháng sinh, kháng thể phù đầu sẽ cho hiệu quả cao hơn bên cạnh đó dùng các chất bổ trợ như VTM, Urotropin để giảm huyết áp, hạn chế phù thũng, hạn chế khẩu phần ăn trong quá trình điều trị.
Giới thiệu một số bệnh lợn có triệu chứng lâm sàng ở da kèm ảnh minh hoạ.
Bệnh dịch tả heo khi nuôi heo thịt (Swine fever)
Đây là bệnh truyền nhiễm lây lan nguy hiểm ở heo do virus Pestivirus gây ra. Heo là vật chủ tự nhiên duy nhất của virus và do đó là nguồn lây nhiễm quan trọng. Heo bị nhiễm thường thải virus ra môi trường theo các chất bài tiết từ trước khi phát bệnh và kéo dài trong suốt thời gian heo ốm. Tiếp xúc trực tiếp với heo ốm là con đưòng lây nhiễm chính của bệnh dịch tả heo.
– Triệu chứng: Bệnh dịch tả heo có nhiều thể khác nhau như: thể quá cấp tính, thể cấp tính, thể á cấp tính, thể mãn tính. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp là: sốt cao (trên 41°C), con vật ủ rũ, nằm rúc chỗ tối, đi lại siêu vẹo, viêm kết mạc mắt (mắt có dử), bỏ ăn từ từ, có lúc ăn được ít, lúc bỏ bữa. Dần dần xuất hiện các điểm huyết điểm ở các vùng da bụng, bẹn, cổ, gốc tai, đôi khi có nôn mửa. Phân táo như phân dê, bên ngoài bọc màng nhầy màu trắng, sau có thể bị tiêu chảy. Heo ốm chết sau 7-9 ngày mắc bệnh.
– Bệnh tích:
+ Các hạch lymph xuất huyết;
+ Thận có xuất huyết điểm dưới màng thận (giống trứng gà tây);
+ Lách có xuất huyết hình răng cưa.
+ Phổi viêm ca ta.
+ Niêm mạc ruột viêm ca ta, xuất huyết điểm, đặc biệt ở van hồi manh tràng.
+ Da và niêm mạc có xuất huyết điểm, đặc biệt các vùng bụng, mặt trong đùi…
– Phòng bệnh:
Bệnh này không điều trị mà phòng bằng chủ yếu bằng vaccine: Tiêm vaccin dịch tả heo theo lịch tiêm phòng ở những ổ dịch cần huỷ heo chết theo qui trình vệ sinh thú y và tẩy uế chuồng trại rồi để trống chuồng ít nhất 3 tháng.
Bệnh phó thương hàn (Salmonellosis)
Đây là bệnh của heo con và choai từ 1- 4 tháng tuổi.
Bệnh thường xảy ra ở những nơi có chế độ vệ sinh kém, chuồng trại và thức ăn không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, nhất là thức ăn tự chế biến.
– Triệu chứng: Bệnh phó thương hàn có 3 thể: cấp tính, á cấp tính và mãn tính với các triệu chứng điển hình như sau:
+ Giảm ăn hoặc bỏ ăn;
+ Sốt cao 41°C-41,5°C, thậm chí 42°C;
+ Heo nằm rúc đầu vào ổ, run rẩy;
+ Viêm kết mạc mắt;
+ Rối loạn tiêu hoá: phân lúc táo, lúc lỏng màu đất sét lẫn bọt khí có khi lẫn máu, mùi rất khó chịu;
+ Da chỏm tai, dưới ngực, bụng bị tím do xuất huyết;
– Bệnh tích:
+ Niêm mạc ruột bị viêm và hoại tử, có màng giả, có một số vết loét nông;
+ Hạch màng treo ruột sưng, màu trắng xám, mềm, trên mặt cắt có vùng hoại tử;
+ Gan có nhiều vùng hoại tử nhỏ (gan lốm đốm);
+ Lách sung huyết dai như cao su;
+ Phổi viêm dạng ca ta;
– Phòng trị:
+ Phòng bằng vaccine: Vaccine PTH keo phèn tiêm ở ngày tuổi 21 và 27 (Nếu dùng vaccine đông khô thì chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất vào lúc 30 ngày tuổi);
+ Trị bệnh bằng các chế phẩm như Alamycin, Floxidin và các loại thuốc bổ trợ như vitamin B1, vitamin C.
Bệnh tụ huyết trùng
– Triệu chứng:
Bệnh tụ huyết trùng (THT) có 3 thể: quá cấp tính, cấp tính và mãn tính. Heo bệnh bỏ ăn, sốt cao (40°C – 42°C), khó thở, thuỷ thũng mô dưới da vùng cổ kèm viêm hầu. Đôi khi có ho, khó thở, hai chân trước đứng dạng ra để dễ thở và giảm đau. Nếu ở thể mãn tính thì một số sưng khớp, heo đi khập khiễng, trên da xuất hiện triệu chứng eczema tróc vảy.
– Bệnh tích:
+ Phổi viêm và gan hoá từng vùng. Các vùng có màu sáng và sẫm có ranh giới rõ ràng. Dịch fibrin và xuất huyết tích tụ trong khoang ngực và màng bao tim. Nhiều trường hợp có viêm dính màng phổi với thành ngực.
+ Xuất huyết điểm ở các cơ quan nội tạng và niêm mạc bàng quang.
– Điều trị:
+ Dùng Streptomycine và các loại kháng sinh đặc hiệu cho vi khuẩn gram (-), kết hợp thuốc bổ trợ.
– Phòng bệnh: Tiêm phòng vaccine Tụ dấu hoặc Tụ huyết trùng theo lịch 1 năm tiêm 2 lần.
Bệnh đóng dấu heo
–Triệu chứng: Bệnh đóng dấu heo xảy ra ở 4 thể: quá cấp tính, cấp tính, mãn tính với các triệu chứng điển hình như:
+ Heo bỏ ăn, sốt cao 41°C – 42°C;
+ Táo bón, đôi khi nôn;
+ Yếu hai chân, đi siêu vẹo;
+ Một số con mắc bệnh ở cổ, lưng, sườn, đầu và một số vị trí khác nổi những vết ban đỏ với hình dạng và kích thước khác nhau;
+ Trên da có các đám sưng có màu đỏ hình vuông, tam giác, lục lăng. Các điểm sưng nổi lên trên bề mặt da, khi ấn vào thì màu đỏ của vết sưng thường mất đi, sau khi thôi ấn thì trở lại màu đỏ;
+ Có trường hợp bị viêm khớp;
– Bệnh tích:
+ Phù nhiều nơi làm cho cơ quan nội tạng bị tím đen;
+ Hạch limph hầu, ức, cổ, bẹn bị sưng đỏ;
+ Phổi bị xung huyết phù;
+ Tim, gan bị hoại tử nhiều điểm;
+ Thận xung huyết màu tím đen.
– Phòng trị bệnh:
+ Phòng bằng vaccine Tụ dấu 2 lần/năm.
+ Trị bệnh theo phác đồ sau: có thể dùng Penicillin và các loại kháng sinh đặc hiệu cho vi khuẩn gram (+), kết hợp thuốc bổ trợ.
Bệnh lở mồm long móng (LMLM)
Bệnh LMLM do virus Picornavirus (các typ A, O, C, SAT1, SAT2, SAT3, ASIA1) gây ra. Đây là bệnh cấp tính, lây lan rất nhanh và chỉ gặp ở các loài động vật guốc chẵn.
Bệnh lây chủ yếu qua không khí, thông thường cự ly lây lan tới 10 km (nếu theo gió trên mặt nước phẳng có thể đến 200km). Ngoài ra bệnh có thể lây lan do các phương tiện vận chuyển gia súc.
Động vật mắc bệnh có chứa nhiều virus trong dịch mụn nước, nước bọt, nước tiểu và phân. Heo mắc bệnh một ngày thải ra 4 tỷ virus. Thịt và các sản phẩm thịt, xác gia súc chết, sữa bò trước khi phát hiện triệu chứng cũng chứa virus.
– Triệu chứng:
Thời kỳ nung bệnh từ 2-4 ngày, con vật sốt cao, ủ rũ, kém ăn, từ miệng chảy ra nước bọt màu trắng. Mụn nước nổi lên quanh mũi, sống mũi, niêm mạc miệng (lưỡi, họng, lợi), đầu vú hay quanh bầu vú. Mụn nước LMLM xuất hiện ở một số đầu vú chứ không phải ở tất cả. Dạng mụn nước giống như vết phồng rộp trên da. Một hai ngày sau mụn nước vỡ ra để lại vết loét. Bờ móng và kẽ móng bị loét, dần dần gây rụng móng. Heo con đang bú hay heo con cai sữa sinh ra ỉa chảy hoặc chết đột ngột, một số heo choai có mụn nước và loét kẽ món.
– Bệnh tích:
+ Các vết loát điển hình ở miệng, bờ và kẽ móng;
+ Họng, khí quản, phế quản, niêm mạc dạ dày cũng có vết loét;
+ Niêm mạc ruột non, ruột già có điểm xuất huyết, bên ngoài thành ruột có mụn nước;
+ Màng bao tim xuất huyết từng đám, từng điểm;
– Biện pháp phòng chống bệnh:
+ Bệnh không có thuốc đặc hiệu. Chủ yếu điều trị các triệu chứng và ngăn chặn được sự lây lan. Dùng dung dịch axit axetic rửa miệng và các vết loét. Các vết loét có thể điều trị bằng dung dịch phèn chua 2%, cồn iôt.
+ Phòng bệnh chủ yếu là tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ cho gia súc; đảm bảo vệ sinh thường xuyên như tiêu độc chuồng trại, xe vận chuyển thức ăn, vận chuyển gia súc, hố phân, nước tiểu bằng thuốc sát trùng có pH< 6 (axitfenol 3-5%), hoặc kiềm có pH>9;
+ Kiểm dịch biên giới: cần kiểm dịch chặt chẽ, chống động vật và sản phẩm động vật có mầm bệnh xâm nhập vào nội địa.
Bệnh viêm phổi địa phương
Đây là loại bệnh viêm phổi mãn tính do Mycoplasma hyopnemonia gây ra với các triệu chứng đặc trưng là ho.
Bệnh thường gặp ở những trang trại chăn nuôi tập trung có mật độ heo cao và độ thông thoáng chuồng trại kém. Nguồn bệnh chủ yếu là heo.