• :
  • :

Nuôi tôm trên cát thiếu an toàn

(12/04/2022)

Nuôi tôm chân trắng trên cát chính vụ ở Ngũ Điền vào cuối năm 2021 gần như mất trắng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; trong khi vụ nuôi đầu năm nay có hàng chục ao hồ với gần 4 tấn tôm bị bệnh, nhiều ao hồ đang bỏ hoang.

Người dân Phong Hải thả nuôi vụ đầu năm

Còn tự phát

Hơn 10 năm theo đuổi nghề nuôi tôm chân trắng trên cát, anh Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) từng nếm trải bao gian khó. Số vụ có lãi khá nhiều, nhưng thua lỗ cũng triền miên. Các vụ nuôi có lãi không thể bù đắp vụ lỗ nên nhiều hộ nợ nần chồng chất. Anh Đăng thừa nhận, anh cũng như nhiều hộ nuôi tôm nợ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Ngoài nghề nuôi tôm không có nghề nào có thể giúp họ trả hết số nợ quá lớn nên đành “đâm lao phải theo lao”.

Dù trải qua hàng chục vụ nuôi tôm trên cát ven biển nhưng với anh Đăng và nhiều hộ nuôi vẫn còn tự phát, trong khi nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghiệp yêu cầu trình độ, kỹ thuật và công nghệ cao. Từ ngư dân “chính hiệu” họ bỗng trở thành “kỹ sư nuôi tôm bất đắc dĩ” thông qua việc tự học lỏm lẫn nhau. Kinh nghiệm, trình độ hiểu biết về kỹ thuật của người đi trước chừng nào thì người đi sau cũng biết chừng ấy. Trình độ kỹ thuật của người dân nói như anh Đăng “chỉ biết một mà không biết mười”.

Cứ đến vụ, người dân phải khăn gói đến tận các tỉnh phía nam mua con giống về nuôi. Với kích cỡ giống quá nhỏ rất khó có thể nhận biết chất lượng, dịch bệnh bằng mắt thường. Trình độ kỹ thuật chọn giống của người dân hầu như không được trang bị một cách bài bản, lại không đầu tư thiết bị máy móc hiện đại như máy PCR để kiểm tra dịch bệnh khi mua giống cũng như trước khi thả nuôi. Có nhiều vụ vừa thả giống vài ngày đến một tháng đã xảy ra dịch bệnh do nguồn giống chất lượng kém, không kiểm dịch.

Dịch bệnh chính là nguyên nhân thất bại, thường là nỗi ám ảnh nhưng hầu hết người dân vẫn chủ quan, chưa nắm vững các loại bệnh nguy hiểm cũng như các biện pháp phòng ngừa, chữa trị. Khi dịch bệnh xảy ra người dân thường lúng túng trong khâu xử lý, dẫn đến lây lan nhanh và chết hàng loạt. Chẳng hạn tôm nuôi chính vụ vào cuối năm 2021 ở Ngũ Điền bị dịch bệnh, người dân tái thả giống ba lần đều bị chết, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hầu hết hộ nuôi đều biết việc chấp hành tốt biện pháp phòng bệnh sẽ giúp vụ nuôi thắng lợi, song chính họ lại không tuân thủ các yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nuôi tôm. Tình trạng xả rác, chất thải bừa bãi trên vùng nuôi vẫn diễn ra. Nguồn nước trong ao nuôi trước khi thải ra ngoài không qua xử lý môi trường phù hợp, hoặc nguồn nước cấp vào ao nuôi thường trực tiếp mà không qua xử lý các chất độc hại bằng ao lắng theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan chức năng... Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến môi trường ao nuôi, vùng nuôi bị ô nhiễm, gây nên các loại dịch bệnh trên tôm.

Hạ tầng chưa đảm bảo

Theo ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, bệnh này do một loại vi rút tiềm ẩn trong nguồn giống kém chất lượng, không qua kiểm tra và xử lý bằng máy PCR trước khi thả nuôi. Môi trường ao nuôi, vùng nuôi bị ô nhiễm, không đảm bảo yêu cầu nuôi tôm chân trắng. Dịch bệnh lây nhiễm và lan nhanh một phần thông qua người ra vào khu vực nuôi và dụng cụ nuôi trồng. Huyện Phong Điền và Sở NN&PTNT cũng đã hỗ trợ 4,5 tấn hóa chất Chlorine cho các địa phương, hướng dẫn các chủ cơ sở, hộ nuôi xử lý dịch bệnh.

Ngoài năng lực, trình độ nuôi tôm của người dân thấp còn có yếu tố về hạ tầng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung tại xã Điền Hương và một số vùng hiện nay vận hành chưa hiệu quả. Trạm bơm cấp nước mặn phục vụ nuôi tôm chỉ mới cấp một phần diện tích nhỏ tại xã Điền Hương; còn lại nhiều khu vực chưa được hưởng lợi từ trạm bơm này, như tiểu khu 1-2, tiểu khu 1-4... Hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm tập trung không hoạt động được, do hư hỏng trong mưa bão cuối năm 2020 đến nay chưa khắc phục xong.

Hạ tầng không đảm bảo ảnh hưởng rất lớn trong việc chuyển đổi, áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Sau ba năm thí điểm mô hình nuôi tôm bằng ao tròn, trong nhà lưới công nghệ cao, theo chuỗi giá trị tại xã Điền Hương được xác định thành công, hiệu quả nhưng đến nay vẫn chưa được nhân rộng. Mô hình nuôi tôm bằng ao tròn không chỉ đạt năng suất cao mà còn được các đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài hạ tầng chưa đảm bảo, một phần ý thức của người dân còn thấp, thiếu mạnh dạn trong học tập, ứng dụng công nghệ mới này.

Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đang tổ chức vận động các hộ nuôi từng bước chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Đồng thời, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu liên kết với người dân tổ chức nuôi tôm an toàn, theo chuỗi giá trị. Đây không chỉ là điều kiện nuôi tôm an toàn, chất lượng, hiệu quả mà còn giải quyết đầu ra sản phẩm một cách thuận lợi. Bởi lâu nay đầu ra sản phẩm nuôi tôm trên cát ở Phong Hải và một số địa phương ở Ngũ Điền phụ thuộc vào một thương lái là chủ đại lý thu mua thủy, hải sản Bé Thọ nên thường xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”.

UBND huyện Phong Điền đang yêu cầu các xã Phong Hải, Điền Hòa và Điền Hương sớm triển khai thực hiện việc cho thuê đất để NTTS tại khu vực phía đông Tỉnh lộ 22 nhằm tạo điều kiện cho các chủ cơ sở NTTS thực hiện đúng quy định của pháp luật, đầu tư hạ tầng một cách thuận lợi, bài bản. UBND huyện tiếp tục bố trí vốn khắc phục các hạng mục hạ tầng NTTS tập trung bị hư hỏng tại xã Điền Hương. DA cấp nước sạch nuôi tôm tại tiểu khu 5-2 thuộc xã Phong Hải đang được triển khai xây dựng để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt...

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Tác giả: admin1
Nguồn:baothuathienhue.vn Copy link