• :
  • :

Hướng đến nuôi bền vững

(23/02/2022)

Việc nuôi cá lồng, bè tự phát, không theo quy hoạch trên sông, hồ, ngoài việc gây rủi ro cho người nuôi còn làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, an ninh nước…

Nuôi cá lồng trên sông Bồ, đoạn gần cầu Tứ Phú

Nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường

 Tình trạng nuôi cá lồng, bè tự phát dọc sông Bồ, sông Đại Giang, sông Ô Lâu… những năm qua chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều nguyên nhân bước đầu được xác định là do hàm lượng oxy trong nước quá thấp (0,8 - 2,5mg/l), thấp hơn giá trị giới hạn (≥ 4mg/l); vùng nuôi không đủ điều kiện về quyền sử dụng đất mặt nước để nuôi; lưu tốc dòng chảy nhỏ (sông bị bèo lấp kín); khoảng cách giữa các lồng nuôi không theo quy định… Nuôi cá lồng tự phát còn làm sạt lở bờ sông, nguy cơ gây đe dọa đến các công trình dân sinh.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, một hộ dân sống ven sông Bồ cho biết, từ năm 2015 đến nay, nhiều lồng, bè nuôi cá tự phát mọc lên dọc 2 bên sông Bồ, đoạn gần cầu Tứ Phú. Nhiều nhất là phía bờ thôn Hạ Lang (Quảng Phú, Quảng Điền) làm sạt lở bờ sông, gây nguy cơ đe dọa đến móng chân cầu Tứ Phú. Theo một người giải nghệ nghề nuôi cá lồng cho hay, khi tháo dỡ lồng, bè nuôi phần 2 bên lồng, bè cũng như phần đáy tại lồng, bè tạo thành một hố sâu. Đây là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến các công trình dọc 2 bên bờ sông đoạn có nuôi cá.

Tại văn bản số 654/HWS của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) gửi Ban chỉ đạo cấp nước an toàn tỉnh cho rằng, có khoảng 50 lồng cá nuôi (thôn Hạ Lang, Quảng Phú) nằm trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước (800m về phía thượng lưu và 200m về phía hạ lưu) của Nhà máy nước sạch Tứ Hạ. Thức ăn và phân của cá thải ra nguồn nước làm ô nhiễm hữu cơ  - COD tăng 1,76 lần (1,94 mg/l); tảo phát triển tăng 17,54 lần (10.000 tế bào/lít); vi sinh tăng 2,19 lần (Coliform 4.600 MPN/100ml) (thời điểm tháng 9/2020), gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến việc cấp nước an toàn cho người dân.

Nhà máy nước sạch Tứ Hạ trực thuộc HueWACO đang khai thác nước nguồn sông Bồ, với công suất 16.000m3/ngày đêm, cấp nước cho thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền và một phần của huyện Phong Điền. Trước đó, HueWACO đã có công văn gửi UBND thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, UBND phường Tứ Hạ và UBND xã Quảng Phú về việc di dời các lồng nuôi ra khỏi khu vực bảo vệ nguồn nước Nhà máy nước Tứ Hạ.

Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 301 lồng, bè, trong đó thôn Hạ Lang chiếm 1/2 số lượng. Đa số hộ dân nuôi cá đều lựa chọn thả lồng, bè gần nhà để dễ chăm sóc, bảo quản. Nuôi cá đem lại thu nhập cao nên người dân thả nuôi không theo quy hoạch. Hiện nay, xã đã họp dân nhằm quy hoạch lại vùng nuôi; đồng thời chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nuôi cá không theo quy hoạch.

Hướng đến nuôi bền vững

Hiện nay, nuôi cá trên sông nhiều nhất thuộc về huyện Quảng Điền với 1.200 lồng, bè, tập trung ở 3 xã: Quảng Phú, Quảng Thành, Quảng Thọ. Do mật độ nuôi dày đặc nên cứ vào mùa nắng nóng, lưu lượng nước chảy thấp, dẫn đến hiện tượng cá chết. Năm 2020, UBND huyện Quảng Điền đã có kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp và quản lý nuôi cá lồng, bè trên sông Bồ.

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, việc sắp xếp lại lồng, bè nuôi cá trên sông Bồ nhằm giảm số lượng nuôi hiện tại, hạn chế tình trạng cá chết. Theo đó, sắp xếp lại các lồng, bè nuôi đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa các lồng và các cụm theo quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo môi trường nuôi có lưu tốc dòng chảy thông thoáng, hạn chế ô nhiễm môi trường; đảm bảo phát triển nuôi cá lồng, bè bền vững, hiệu quả và ổn định nhằm giải quyết tình trạng nuôi tự phát, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

“Đối với thôn Hạ Lang, Hạ Cảng, Phú Lễ (xã Quảng Phú), Phước Yên, Tân Xuân Lai, Phò Nam A (xã Quảng Thọ)… lồng nuôi đã giảm hẳn. Tuy nhiên, tại thôn Hạ Lang (Quảng Phú) vẫn còn nhiều lồng, bè nuôi không đúng quy hoạch do người dân không chịu dời đến địa điểm nuôi xa nhà, không chịu chuyển đổi nghề nghiệp, hiện, phòng tiếp tục chỉ đạo xã Quảng Phú tiếp tục vận động người dân… Sau khi sắp xếp, thực hiện việc quản lý theo cộng đồng: các chi hội nghề cá, các tổ hội; qua đó, thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất theo tình hình thực tế”, bà Nhã khẳng định.

Tại điểm đ khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản quy định:“Phải đăng ký đối với hình thức nuôi trồng thủy sản lồng bè và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực” và tại điểm b khoản 2 Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thủy điện hoặc quyết định giao khu vực biển hoặc hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản”.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để đảm bảo cho nuôi cá lồng, bè trên sông hợp pháp và hiệu quả, chính quyền địa phương cần truyền thông cho người dân rõ không thả nuôi thủy sản, lồng, bè khi không đủ điều kiện theo quy định như: Chưa được chính quyền địa phương cấp quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất mặt nước để nuôi; chưa đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; chỉ nuôi ở các vùng đủ điều kiện về lưu tốc dòng chảy, số lượng lồng nuôi,... Hướng dẫn người dân thực hiện hồ sơ để được cấp quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất mặt nước nuôi cá lồng theo đúng quy định về việc quản lý đất đai, mặt nước có nuôi trồng thủy sản, hướng đến nuôi cá lồng, bè trên sông bền vững.

Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh có 8.000 lồng, bè nuôi cá trên sông, hồ, đầm phá...; trong đó, có 3.500 lồng, bè trên sông, hồ…

Bài, ảnh: Hải  Huế

Tác giả: Le Viet Anh
Nguồn:baothuathienhue.vn Copy link