Chúng tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An giới thiệu về mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Công ty (Cty) TNHH Công nghệ NHONHO. Nhà màng được Cty thiết kế có chiều cao 7m, lối đi 1,2m, tạo ra một không gian thoáng mát, thích hợp cho cây quang hợp và phòng trừ sâu, bệnh. Cũng vì cách thiết kế này, Cty đầu tư số tiền lớn hơn so với các nhà vườn khác, bình quân trên 5 triệu đồng/m2 nhà màng. Cty còn thuê một kỹ sư nông nghiệp với mức lương cao để chăm sóc 8.000m2 dưa lưới.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (kỹ sư nông nghiệp) chia sẻ: “Công việc của tôi chuyên về kỹ thuật trồng dưa lưới. Trồng dưa lưới đạt hiệu quả phải trải qua nhiều quy trình từ cách chọn cây giống, trộn giá thể, gieo cây con, tưới nước đến phòng trừ sâu, bệnh trước khi thu hoạch. Đối với dưa lưới, giai đoạn gần thu hoạch thường phát sinh nhiều bệnh, phải theo dõi thường xuyên bởi chỉ cần trái bị trầy xướt thì vài ngày sau sẽ hư, không bán được”.
Nhờ trồng đúng quy trình, ứng dụng công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên vườn dưa lưới đạt năng suất cao, mỗi trái nặng từ 1,5 - 1,7kg, giá bán từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Không chỉ chú trọng về kỹ thuật trồng dưa lưới, Cty còn quan tâm đến nhu cầu của thị trường. Theo đó, Cty trồng theo kiểu cuốn chiếu, vườn này thu hoạch rồi đến vườn khác, không trồng và thu hoạch một lượt. Bình quân từ 7 - 15 ngày, Cty thu hoạch khoảng 2 tấn dưa. Dự kiến, thời gian tới, Cty NHONHO tiếp tục đầu tư thêm 10 nhà màng trồng dưa lưới với khoảng 1.200m2.
Phó Giám đốc Cty TNHH Công nghệ NHONHO - Tất Ngọc Phương cho biết: “Khó khăn của Cty là nguồn vốn đầu tư và đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, đầu ra dưa lưới không ổn định, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Xác định được những khó khăn này, Cty cố gắng làm các thủ tục để dưa lưới được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Điều này giúp sản phẩm tiếp cận được với hệ thống siêu thị, Bách Hóa Xanh, chuỗi cửa hàng San Hà,... Hy vọng thời gian tới, người trồng dưa lưới nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Cty tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động nông thôn với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng. Và chắc chắn khi mô hình này được mở rộng sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nông thôn. Song, để làm được điều này phải có sự chung tay của các cấp, các ngành trong việc tìm đầu ra ổn định cho dưa lưới.
Năm 2019, anh Hứa Thanh Phú (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc) mạnh dạn đầu tư khoảng 300 triệu đồng để trồng 1.000m2 dưa lưới.
Trồng dưa lưới theo phương pháp thủy canh đòi hỏi vốn đầu tư tương đối lớn, người trồng phải am hiểu và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bón phân, theo dõi quá trình sinh trưởng cho đến khi thu hoạch. Để cho ra những sản phẩm chất lượng, anh Phú thử nghiệm khoảng 20 loại giống khác nhau trên cùng diện tích đất.
Theo anh Phú, quá trình sinh trưởng, phát triển của dưa lưới khoảng 100 ngày. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới phát triển tốt. Từ hiệu quả bước đầu, anh mở rộng diện tích trồng dưa lên 2.000m2 và sắp tới là khoảng 3.000m2. Hiện tại, anh xây dựng thương hiệu dưa lưới Long Phụng cũng như đăng ký tiêu chuẩn VietGAP nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng.
Với vai trò Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản xã Long Phụng, anh Phú sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm với người muốn trồng dưa lưới. Anh cho biết: “Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng mô hình mang lại nguồn thu nhập ổn định, giá trị kinh tế cao. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác nhiều vụ trong năm nên khả năng thu hồi vốn nhanh”.
Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa lưới cho nông dân, anh Phú còn đón khách đến tham quan, sinh viên đến thực tập, học sinh trải nghiệm làm nông dân,... Tại vườn dưa lưới, anh còn xây dựng nhiều tiểu cảnh, thả cá Koi,... để khách tham quan có thể chụp hình, tìm hiểu về mô hình này.