Người chăn nuôi hướng tới thị trường cuối năm

Mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng người chăn nuôi vẫn quyết tâm bám trụ với chuồng trại. Họ hy vọng thời điểm cuối năm, tình hình chăn nuôi sẽ ổn định, nhất là thị trường tiêu thụ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Anh, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong), đã phát triển chăn nuôi heo trên 10 năm qua. Năm 2020, đàn heo của gia đình ông mắc bệnh chết và tiêu hủy gần hết.

Sau đó, nhờ được Nhà nước hỗ trợ hơn 100 triêu đồng, gia đình ông đã có điều kiện tái đàn. Thế nhưng, năm 2021, ông tiếp tục gặp khó do giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá heo hơi xuống thấp... Nhiều thời điểm, ông phải thu hẹp quy mô đàn heo, chuyển đổi sang nuôi dê để tránh ảnh hưởng đến thu nhập. Những tháng cuối năm nay, ông tăng dần đàn heo với hy vọng có thêm thu nhập vào dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Anh, xã Đắk Ha (Đắk Glong) tái đàn heo phục vụ thị trường cuối năm

Ông Anh cho biết: "Dịp cuối năm, sản phẩm thịt từ chăn nuôi luôn được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn. Khi đó, tình hình thị trường sẽ sôi động trở lại, giá sản phẩm thịt chăn nuôi tăng lên".

Để tránh rủi ro, thua lỗ, ông chỉ tái đàn ở mức độ vừa phải. Các yếu tố bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi được ông coi trọng, nhất là chất lượng con giống.

Những tháng cuối năm, gia đình ông Hoàng Anh Dũng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), cũng đang tập trung chăn nuôi heo rừng, gà lai chọi để xuất bán vào dịp tết.

Theo ông Dũng, giống heo, gà đều được gia đình tự sản xuất, nên bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trong quá trình chăn nuôi, ông thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh; tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, đàn gia cầm của tỉnh giảm 41.000 con so với cùng kỳ năm 2020

Ông Dũng cho biết: "Hiện gia đình đang nuôi 40 con heo thịt, gần 100 con gà để xuất bán dịp cuối năm. Hy vọng gia đình sẽ thu được khoản kha khá để bảo đảm đời sống vào dịp tết".

Theo tính toán của ông Dũng, giá heo hơi vào dịp cuối năm sẽ ở mức khoảng 160.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí, mỗi con heo gia đình ông lãi tầm 2 triệu đồng.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm, ở nhiều địa bàn đã qua 30 ngày không xuất hiện bệnh trở lại và đã công bố hết dịch. Diễn biến chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng đàn sau ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò. Ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về chăn nuôi an toàn.

Việc nhà nông, các cơ sở, công ty chăn nuôi đang tăng đàn sẽ góp phần bảo đảm nguồn cung sản phẩm hàng hóa thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh và dịp cuối năm. Do đó, các cấp, ngành cần phối hợp làm tốt việc kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, vật tư chăn nuôi, tiêu độc khử trùng hiệu quả. Từ đó, bảo đảm việc phát triển chăn nuôi hiệu quả, ổn định thị trường...

 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình chăn nuôi của tỉnh có nhiều diễn biến trái ngược. Cụ thể, so với 9 tháng đầu năm 2020, đàn heo tăng trên 108.000 con, đàn dê tăng trên 20.000 con. Trong khi đó, đàn gia cầm giảm 41.000 con, đàn trâu giảm 1.100 con, đàn bò giảm 660 con.

Nguyên nhân của tình hình trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh bùng phát, giá sản phẩm xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao...

 

Bài, ảnh: Hồng Thoan

9
Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/nguoi-chan-nuoi-huong-toi-thi-truong-cuoi-nam-90232.html
Tin liên quan
Chưa có thông tin
  • :
  • :