Mở rộng đầu ra cho trái thanh long

Trái thanh long tại một số địa phương hiện đã vào vụ với sản lượng lớn, trong khi dịch Covid-19 hạn chế hoạt động của các thương lái, vận chuyển khó khăn, tạo áp lực tiêu thụ cho bà con vùng trồng.

Áp lực tiêu thụ lớn

Là một trong những vựa thanh long của cả nước, Bình Thuận hiện có trên 33.700 ha trồng thanh long, sản lượng khoảng 650.000 tấn quả/năm. 8 tháng đầu năm, Bình Thuận đã xuất khẩu khoảng 3.323 tấn thanh long sang các thị trường châu Á, châu Âu, châu Đại Dương. Tuy nhiên, theo ông Biện Tấn Tài- Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, thanh long của tỉnh chủ yếu được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, sản lượng xuất khẩu qua đường chính ngạch rất thấp.

Ngoài thanh long tươi, nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đầu tư chế biến thanh long, với sản phẩm như nước ép thanh long, siro thanh long, rượu vang thanh long…Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu thăm dò thị trường, chưa xuất khẩu nhiều.

Tương tự, tỉnh Long An có diện tích trồng thanh long 12.000 ha, sản lượng 330.000 tấn quả/năm. Ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ, ruột trắng, Long An còn có thanh long vỏ đỏ ruột đỏ, thanh long vỏ vàng ruột trắng chứa nhiều chất dinh dưỡng. Thanh long Long An có đặc trưng chắc thịt, vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt hiện chủ yếu xuất khẩu ở dạng trái tươi. Về chế biến, thanh long Long An có 1 số sản phẩm sấy khô, sấy dẻo, nước ép… chủ yếu phục vụ trong nước và một phần cho xuất khẩu. Hướng tới sản xuất bền vững, những năm gần đây, Long An ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có trái thanh long với chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn từ các thị trường khó tính.

Một điểm chung của Bình Thuận và Long An là đang gặp khó trong tiêu thụ, đại diện hai Sở Công Thương cũng mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối nhằm tìm đầu ra cho trái thanh long.

Mở rộng đầu ra cho trái thanh long
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang nỗ lực xúc tiến tiêu thụ cho nhiều loại nông sản, trong đó có trái thanh long

Trên thực tế, không chỉ Bình Thuận và Long An đang gặp khó trong tiêu thụ thanh long, phát biểu tại Hội nghị Giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với một số Sở Công Thương, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức ngày 30/8, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM)- cho biết: Những năm gần đây, thanh long Việt Nam bị cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trườg xuất khẩu do nguồn cung từ Thái Lan, Đài Loan, Indonesia… tăng. Các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp Việt Nam năng động phát triển sản phẩm từ thanh long, một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Đây được xem là hướng đi đúng để đa dạng nguồn tiêu thụ, giảm sức ép vụ mùa, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.

Thị trường Trung Quốc- thị trường tiêu thụ thanh long chính của Việt Nam đang siết chặt kiểm dịch hoặc đóng biên một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định. Cùng đó, chi phí vận chuyển tăng cao, nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, khiến xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung đã khó lại càng thêm khó.

Ông Vũ Bá Phú cũng thông tin: Tổng diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đến nay đúng bằng diện tích trồng thanh long của Việt Nam thời điểm hiện tại, tạo sức ép cạnh tranh cho thanh long Việt Nam tại cả thị trường Trung Quốc và thế giới. Nguyên do, với công nghệ sản xuất tiên tiến, năng suất và chất lượng của thanh long Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cao hơn chúng ta. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại thị trường nước ngoài tiếp tục tăng, nhiều đơn vị nhập khẩu mong muốn phát triển nguồn thanh long chất lượng cao tại Việt Nam. Đây là điều đáng mừng, lãnh đạo Cục XTTM nhận định, đồng thời - khuyến cáo: Các địa phương hạn chế tối đa mở rộng diện tích trồng thanh long, quy hoạch lại vùng trồng để gắn với chất lượng và đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng thị trường xuất khẩu. Ở góc độ XTTM, cần quảng bá thanh long gắn với nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu chứng nhận như Global GAP, hữu cơ… để gia tăng giá trị thương hiệu quả thanh long Việt Nam nói chung và thương hiệu quả thanh long từng vùng trồng nói riêng.

Khuyến cáo từ thương vụ

Tại hội nghị, đại diện nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhận định, thanh long Việt Nam được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Ông Nguyễn Phú Hoà - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, đưa ra con số - cụ thể: 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Australia tăng trưởng đột biến, đạt tới 3 triệu USD giá trị. Một số siêu thị ở Australia bày bán rất nhiều thanh long Việt Nam với giá bán lẻ 4,9USD/quả, 14 USD/kg. Sản phẩm chế biến từ thanh long cũng khá đa dạng, như: Thanh long sấy dẻo, sấy lạnh…

Ông Nguyễn Phú Hoà – nhận định: Cùng với công tác XTTM được tổ chức bài bản và liên tục, thanh long Việt Nam đã được biết tới ngày một nhiều hơn tại Australia và có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này. “Thương vụ Việt Nam tại Australia sắp tổ chức sự kiện dùng thử thanh long Việt Nam, hướng đến người Australia phương tây để mở rộng hơn nữa đối tượng tiêu dùng”, ông Hoà nói.

Mở rộng đầu ra cho trái thanh long
Hội nghị Giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021 thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, địa phương

Dù có tiềm năng nhưng đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam sang Australia không phải dễ. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm, hiện mùa mưa đã đến, trái thanh long rất có thể nhiễm nấm; việc chọn được trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tương đối khó khăn. Cùng đó là việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường này không đơn giản. “Phát triển thanh long Việt Nam tại Australia là xây dựng thương hiệu. Australia là thị trường có điều kiện, chúng ta không nhất thiết phải mang sản phẩm giá rẻ sang mà cần chọn sản phẩm chất lượng tốt”, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia nhấn mạnh.

Còn tại thị trường Nhật Bản, ông Tạ Minh Đức- Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản- cho biết: Từ năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long ruột trắng sang Nhật Bản, sản lượng bình quân khoảng 2.000 tấn quả/năm, chiếm 80% thị phần thanh long tại Nhật Bản. Những năm gần đây, thanh long được xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường biển với số lượng lớn và giá cạnh tranh hơn so với trước.

Người tiêu dùng Nhật Bản sử dụng thanh long theo kiểu làm salad, trộn với ngũ cốc hoặc ăn trực tiếp. Các sản phẩm chế biến từ thanh long nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo: Thị trường Nhật Bản có quy định riêng về tiêu chuẩn và quy cách đóng gói với trái thanh long nhập khẩu. Cụ thể, sản phẩm nên có trọng lượng từ 350-500gr, đóng thùng carton 7 lớp, đóng 10-12 trái, có túi nilon bao mỗi trái. Sản phẩm phải được xử lý thô, làm sạch, xử lý hơi nước nóng tối thiểu nhiệt độ 47,5 độ C trong 40 phút, đảm bảo độ tươi, chất dinh dưỡng, kiểm dịch thực vật theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Hình dạng trái phải đảm bảo sạch, vỏ không có vết thâm đốm…

Về khâu quảng bá, giới thiệu hình ảnh, theo ông Tạ Đức Minh là rất quan trọng bởi người tiêu dùng trước khi mua một loại trái cây mới sẽ muốn biết về lịch sử, cách trồng, thu hoạch, cách ăn…

“Một số tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây của Nhật Bản còn cao hơn cả EU. Trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sẽ có nhiều thuận lợi thâm nhập các thị trường khác”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.

Việt Nga

 

Tác giả: Việt Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/mo-rong-dau-ra-cho-trai-thanh-long-163277.html
  • :
  • :