Đắk Mil tiếp tục lộ trình OCOP mới

Chương trình OCOP ở huyện Đắk Mil đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, doanh nghiệp. Huyện cũng đã đưa ra kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, với những giải pháp rõ ràng.

Đến cuối năm 2021, Đắk Mil có 13 sản phẩm được công nhận OCOP hạng từ 3-4 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều là chủ lực, đặc trưng của địa phương như cà phê, bơ, sachi, mật ong...

Theo ông Lê Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, ngay sau khi triển khai Chương trình OCOP, huyện đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn bộ máy vận hành từ huyện đến cấp xã.

Bộ máy này có kế hoạch hoạt động phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực. Trong đó, huyện xác định những việc quan trọng cần làm ngay, những việc đầu tư cho kế tiếp, lâu dài. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng sản phẩm OCOP thường xuyên được huyện quan tâm sát sao.

Huyện xác định, tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân thấy được vai trò, ý nghĩa của việc tham gia OCOP. Nhiều hình thức tuyên truyền được địa phương đẩy mạnh như dựng pano, áp phích; truyền thanh; các buổi sinh hoạt tại các thôn, bon, tổ dân phố, đoàn thể cơ sở...

Người dân Đắk Mil đã chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật để tạo nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP

Bộ máy vận hành OCOP cũng tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Sự hỗ trợ được cụ thể hóa như định hướng nâng cao giá trị sản phẩm qua áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến; quy trình đóng gói, bao bì; bảo đảm an toàn thực phẩm…

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hương Quê Đắk Nông (Đắk Mil), Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn, mang lại nhiều lợi ích.

Trong đó, Công ty đánh giá cao nhất là sự đồng bộ, có tính liên tục từ cấp huyện, tỉnh và quốc gia để hình thành nên một hệ thống chất lượng mới. Từ đó, tạo ra tính chuyên nghiệp trong sản xuất hàng hóa.

Do đó, đầu năm 2021, Công ty đã đưa sản phẩm của mình tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP. Kết quả, sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty được công nhận OCOP hạng 3 sao.

"Từ sự khởi đầu này, Công ty tự tin để thực hiện những bước chuẩn bị tiếp theo để tham gia đánh giá xếp hạng OCOP cho sản phẩm cà phê bột vào đầu  năm 2022", ông Quý chia sẻ.

Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của Đắk Mil đạt OCOP hạng 4 sao

Theo Sở NN - PTNT, huyện Đắk Mil là một trong những địa bàn có nhiều kết quả cao trong phát triển OCOP. Thế nhưng, huyện cũng cần tiếp tục thúc đẩy quyết liệt, mạnh mẽ hơn để giữ thứ hạng hoặc nâng hạng cho các sản phẩm OCOP.

Trong đó, các chủ thể cần nắm bắt tốt thị trường, nhu cầu tiêu thụ; phân tích điểm mạnh, điểm yếu của sản phẩm; đánh giá rủi ro trong phát triển sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm.

Các khâu về hoàn thiện thiết kế bao bì, nhãn hàng, tem truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm... phải được chú trọng. Vấn đề về liên kết, tạo chuỗi giá trị, các yếu tố về môi trường trong xây dựng sản phẩm OCOP phải được đặc biệt coi trọng.

Huyện cần thực hiện nhóm nhiệm vụ giải pháp về tuyên truyền; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút, tạo điều kiện về đất đai, thủ tục để nhà đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị, cửa hàng OCOP; phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát triển Chương trình OCOP...

 

Đắk Mil đặt mục tiêu đến năm 2025 có 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao. Một số sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu như cà phê, xoài, sầu riêng. Đến năm 2030, huyện phấn đấu có 30 sản phẩm OCOP, trong đó 2 sản phẩm xuất khẩu; 56% sản lượng trái cây được bán tại các hệ thống cửa hàng, siêu thị OCOP.

 

​Bài, ảnh: Trần Lê

54
Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/dak-mil-tiep-tuc-lo-trinh-ocop-moi-90569.html
  • :
  • :